Ngoài ra, hội thảo cũng có sự tham dự của đoàn đại biểu lãnh đạo Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào do ông Kouamoua Vansy – Thứ trưởng dẫn đầu; phái đoàn của Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia do ông Ek Buntha – Phó Quốc Vụ khanh dẫn đầu.
Cần có những “phim trường” điện ảnh quốc tế
Phát biểu mở màn hội thảo, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp ba lĩnh vực du lịch, điện ảnh và thể thao (ba lĩnh vực) trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Hội thảo lần này tạo ra diễn đàn để các đại biểu gặp gỡ, thảo luận về tiềm năng phát triển, đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng du lịch, điện ảnh ở Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, hội thảo chia thành 2 phiên thảo luận chính thức, gồm: du lịch, điện ảnh và thể thao: Kiến tạo tương lai – đường dài chung bước; thực tiễn hợp tác du lịch, điện ảnh và thể thao”. Hội thảo cũng sẽ diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bình Định và các nhà sản xuất phim…
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Giang đã giới thiệu chặng đường phát triển về du lịch, điện ảnh của tỉnh mình. Theo bà, Hà Giang không những được ban tặng cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, độc đáo mà còn là vùng đất giàu bề dày văn hóa, đa sắc tộc với 19 tộc người cộng cư có đời sống vô cùng phong phú. Nhờ vậy, Hà Giang là vùng đất mang những màu sắc, câu chuyện đầy thần bí, liêu trai được thể hiện bằng phong cách đơn thuần, hồn nhiên của các dân tộc miền núi.
Bà Hoài cho biết, thời gian qua, nhờ điện ảnh mà Hà Giang được đông đảo du khách, người dân trong nước và quốc tế biết đến, ghé thăm đem lại nguồn thu lớn cho địa phương. Từ đó, các điểm đến Hà Giang dần được khẳng định, giành được nhiều giải thưởng điểm đến lớn ở châu Á.
Tại sự kiện, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã giới thiệu đến các khách mời về những tiềm năng thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa và lịch sử của Bình Định. Theo ông Lâm Hải Giang, tiềm năng và dư địa Bình Định rất lớn, song giới điện ảnh khai thác còn rất khiêm tốn. Trong đó, câu chuyện lịch sử, văn hóa và những thăng trầm của các triều đại hay về nghĩa quân Tây Sơn với bao vị tướng tài mà điểm nhấn là nhà quân sự thiên tài Quang Trung – Nguyễn Huệ. Hay như trầm tích văn hóa các triều đại, trong đó có văn hóa Chăm Pa… tất cả đều là nguồn tài nguyên lớn cho những tác phẩm điện ảnh lớn.
Qua đây, ông Giang mong muốn các chuyên gia, nhà làm phim quan tâm giúp đỡ để Bình Định khai phá các tiềm năng du lịch, điện ảnh và trở thành “phim trường” điện ảnh tầm cỡ, thu hút du khách, bạn bè quốc tế. Bình Định mong muốn được liên kết, hợp tác với các nhà làm phim, đạo diễn lớn trong nước và quốc tế để sản xuất các tác phẩm điện ảnh lấy bối cảnh từ vùng “đất võ, trời văn”.
Tại sự kiện, nhiều ý kiến khách mời cũng nêu ra một số giải pháp để phát triển nền điện ảnh, du lịch. Trong đó, một số ý kiến cho rằng cần thúc đẩy những liên hoan phim quốc tế và tạo ra “gói” quảng bá phim trường điện ảnh Việt Nam nhằm mời gọi, thu hút các nhà làm phim quốc tế.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Bạch Ngọc Chiến chia sẻ, thể loại phim hành động đang rất cuốn hút trên thế giới, cần tạo được những ngôi sao điện ảnh võ thuật thực sự là những võ sĩ, võ sư. Ông đề xuất, cần nuôi dưỡng phong trào thể thao quần chúng để tạo ra các nhân tài điện ảnh, nhất là trong phim võ thuật…
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc cho biết, Việt Nam có 3 thành phố biển rất đẹp như “nàng tiên” là: Hải Phòng, Quy Nhơn, Nha Trang… Trong đó, Quy Nhơn, Hải Phòng cần phát triển trở thành nơi tổ chức thường niên các liên hoan phim quốc tế lớn. Từ đây sẽ tạo thêm được diễn đàn cho các nhà làm phim quốc tế đến Việt Nam, hợp tác và tạo ra các sản phẩm điện ảnh lớn.
Tâm huyết nhưng thiếu lực đẩy
Phiên thảo luận thứ 2 có các đạo diễn, nhà sản xuất phim, nhà phát hành và chuyên gia, như: Charlie Nguyễn, Phan Gia Nhật Linh, Lương Đình Dũng, Đỗ Quang Minh, Aaron Toronto, Trương Ngọc Ánh, Bùi Quang Minh và ông Sirisak – chuyên gia điện ảnh Thái Lan.
Tại phiên 2, các khách mời tập trung mổ xẻ về thực tiễn phát triển điện ảnh trong nước và nêu ra nhiều vướng mắc, khó khăn mà điện ảnh Việt Nam đang gặp phải.
Đa số ý kiến đều cho rằng, hầu hết nhà sản xuất phim Việt Nam gặp khó khăn về nguồn lực, kinh phí. Nhiều chương trình liên kết, hợp tác với nước ngoài gặp khó do cơ chế, chính sách hoàn tiền, hoàn thuế, tìm hiểu thông tin, thực địa, pháp lý và hạ tầng…
Ở bài trình bày của mình, ông Sirisak (chuyên gia điện ảnh Thái Lan) đã thông tin đến hội thảo nhiều tác phẩm điện ảnh ở xứ sở “chùa vàng” đem lại nguồn thu “khủng” cho đất nước này.
Trong đó, một số tác phẩm điện ảnh như: Lost in Thailand (Lạc lối ở Thái Lan, năm 2012), James Bond 007…đã giúp nhiều điểm đến trong bối cảnh phim ở Thái Lan hút khách trong cả chục năm qua.
Theo ông Sirisak, tác phẩm điện ảnh mới nhất của Thái Lan mang tên “How To Make Millions Before Grandma Dies” (Gia tài của ngoại) đã chiếm sóng 13 quốc gia và có doanh thu khủng lên đến 33,3 triệu USD. Trong đó, khi chiếu ở Việt Nam, bộ phim này có nguồn thu 2,2 triệu USD.
Ông Sirisak nhấn mạnh đến môi trường sáng tạo cho các đạo diễn, nhà biên kịch, sản xuất phim và cho rằng tác phẩm điện ảnh là sáng tạo nghệ thuật. Kêu gọi khán giả không nên quá khắt khe, mà hãy tạo điều kiện và cho phép các đạo diễn, nhà biên kịch được mở rộng trí tưởng tượng để tạo ra các tác phẩm lớn.
Theo ông Sirisak, ở Thái Lan do có được cơ chế tốt từ việc hỗ trợ, hoàn tiền mặt cho các nhà sản xuất phim nên thu hút rất nhiều nhà sản xuất phim quốc tế đến lấy bối cảnh làm phim. Trong nước, các địa phương ở Thái Lan lập ra các quỹ để thúc đẩy điện ảnh từ các nguồn ngân sách, xã hội hóa.
Cần cơ chế dùng ngân sách phát triển du lịch, điện ảnh
Tại hội thảo, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên đề xuất với Bộ VH-TT-DL sớm kiến nghị Chính phủ để khơi thông các điểm nghẽn, tạo cơ chế, chính sách để các địa phương sử dụng ngân sách để phối hợp, hỗ trợ các chương trình khai thác du lịch, điện ảnh và thể thao.
Vị này cho rằng, để có tác phẩm điện ảnh lớn đóng góp cho du lịch, văn hóa các địa phương cần có vai trò nhà nước. Ngoài ra, cần quan tâm bảo tồn các điểm văn hóa, di tích, cảnh quan để phát triển thành các “phim trường” cho điện ảnh…
NGỌC OAI
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/phim-viet-can-don-bay-de-vuon-tam-quoc-te-post757000.html