Dự án phim truyền hình khá lớn Thời mở cửa của đạo diễn Phương Điền khi đến giai đoạn sản xuất đang phải tạm ngưng. Lý do: kinh phí sản xuất quá thấp nên không thể sản xuất được.
“Chúng tôi đang cố gắng thương thảo để có thể sau mùa mưa tiếp tục dự án đã chuẩn bị suốt hơn hai năm qua”, đạo diễn Phương Điền cho biết.
Phim Việt đơn giản và nhàm chán
Rất tâm huyết về dự án phim có yếu tố về lịch sử một giai đoạn của đất nước nên đạo diễn Phương Điền cảm thấy buồn.
Anh bảo: “Ở phía Nam, sản xuất phim Việt bao nhiêu năm qua vẫn cứ cào bằng giá 180 – 200 triệu đồng/tập, thậm chí có nơi còn trả thấp hơn. Điều này rất khó để sản xuất những bộ phim đề tài mới mẻ cần đầu tư về bối cảnh. Và nếu cứ kéo dài, phim truyền hình Việt khó mà phát triển được”.
Sự chậm trễ phim Thời mở cửa là một ví dụ cho sự giậm chân tại chỗ của phim truyền hình Việt trong hơn 10 năm qua bởi lý do kinh phí quá thấp.
Vì vậy với phim phát sóng trên truyền hình thì ê kíp luôn phải thắt lưng buộc bụng để sản xuất. Đấy cũng là lý do trói sáng tạo khiến nhiều người chê phim truyền hình cứ quanh quẩn những đề tài đơn giản đến nhàm chán.
Nhưng cũng phải nhìn thấy những dấu hiệu lạc quan đến từ những sản phẩm phát trên những nền tảng giải trí trực tuyến OTT.
Để thu hút số lượng đăng ký thành viên sử dụng, nhiều đơn vị OTT đã đẩy mạnh sản xuất các chương trình riêng biệt, tạo nên sự phong phú trong hoạt động sản xuất phim.
K+, VieON, Netflix, Galaxy Play… cho biết đều đã đang và sẽ dành đầu tư lớn cho sản xuất phim truyền hình – một món ăn giải trí tinh thần không thể thiếu của người dân, chứ không chỉ nằm ở việc mua lại phim đã sản xuất để phát sóng.
Trong buổi ra mắt bộ phim Mặt trời mùa đông phát trên VieON, đại diện Hãng phim M&T Pictures cho biết bên cạnh sản xuất phim cho kênh truyền hình Vĩnh Long, VTV9 thì OTT đang là con đường mới rất hiệu quả cho hãng phim này.
Hàn Quốc cũng gặp khó
Theo Korea Times, Hàn Quốc cũng đang phải “thắt lưng buộc bụng” để sản xuất phim truyền hình bởi ngành công nghiệp truyền hình của đất nước này đang gặp nhiều khó khăn.
Ba đài truyền hình lớn của quốc gia – SBS, MBC và KBS – đều dừng phát sóng phim vào giờ thứ tư – thứ năm, tvN sau đó cũng tương tự.
Một số phim phát trên Internet chỉ mở khung giờ hai ngày mỗi tuần, ví dụ thứ sáu – thứ bảy hoặc thứ bảy – chủ nhật, và ngưng các khung giờ khác trong tuần. Nhiều phim đã phải tạm ngưng sản xuất.
Cơ quan nội dung sáng tạo Hàn Quốc – Korea Creative Content Agency – cho biết năm 2022 có khoảng 160 bộ phim đã được thực hiện – con số cao nhất trong ba năm qua. Tuy nhiên trong năm 2023, chỉ có khoảng 100 phim được xác nhận sẽ sản xuất.
Hoạt động kinh doanh của các nền tảng phát trực tuyến cũng không sáng sủa. Tving và Wave là hai trong số các nền tảng phát trực tuyến lớn của Hàn Quốc đều bị lỗ đáng kể vào năm ngoái. Gã khổng lồ truyền thông CJ ENM cũng bị thâm hụt lớn trong mảng phim truyền hình và phim điện ảnh trong quý đầu tiên của năm nay.
“Chi phí sản xuất tăng chóng mặt khi các OTT đổ tiền vào. Lương diễn viên và nhân viên tăng cao. Nhà sản xuất không thể chi trả nếu không có khoản đầu tư từ các nền tảng phát trực tuyến. Khi các nền tảng thu hẹp nguồn tài trợ, họ sẽ loại bỏ các dự án không chắc chắn sẽ thu hồi được chi phí”, một đạo diễn Hàn Quốc nói với tờ Korea Times.
Nhà phê bình văn hóa đại chúng Ha Jae Geun cho rằng để tồn tại trong thị trường đang ngày càng thu hẹp này, nhà sản xuất, đầu tư cần tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt hơn.
Thời kỳ “nóng” của phim Hàn đang lắng xuống
Đại dịch COVID-19 khiến nhiều người chọn sử dụng các dịch vụ phát trực tuyến để giải trí. Ngành dịch vụ này đã phát triển mạnh mẽ với những kế hoạch đầu tư lớn để tạo ra nội dung riêng biệt giành chỗ đứng trên thị trường.
Năm 2021, bộ phim Hàn Quốc Squid Game của Netflix trở thành cơn sốt toàn cầu, từ đó bắt đầu một đợt bùng nổ lớn loạt phim Hàn Quốc ra thế giới. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19 đến nay, thời kỳ nóng của phim Hàn Quốc bắt đầu lắng xuống.