Ngô Đặng Thanh Sơn là cựu du học sinh Việt tại Úc, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Marketing của trường Đại học Western Sydney, anh về Việt Nam và làm việc. Mục tiêu của anh trong 5 năm tới là làm ra những bộ phim hoạt hình made in Vietnam và đưa tác phẩm tiếp cận đến người xem quốc tế.
– Xuất phát từ ý tưởng nào mà anh sang Úc du học, rồi lại chọn trở về quê hương lập nghiệp?
Tôi có niềm đam mê với ngành Marketing ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, được nghe rất nhiều anh chị cựu sinh Úc chia sẻ về việc các sản phẩm người Việt làm ra chất lượng không hề kém so với các quốc gia phát triển, cái còn thiếu để hàng hóa Việt được thế giới biết đến nhiều hơn là phải làm marketing bài bản. Đó cũng chính là lý do tôi bén duyên chuyên ngành này, cũng như lựa chọn Úc để học cao học.
Cũng vì mục tiêu này mà ngay từ khi lên kế hoạch sang Úc, tôi đã xác định trở về quê hương sau khi kết thúc khóa học để tiếp tục sự nghiệp. Đối với tôi, những năm tháng ở nước ngoài là khoảng thời gian quý báu, góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm cuộc sống và hoàn thiện bản thân.
– Được biết, công ty của anh hiện đang thực hiện rất nhiều nội dung về giải trí và giáo dục, bao gồm hệ thống các kênh và video sản xuất trên nền tảng Youtube. Vì sao anh chọn tham gia lĩnh vực này?
Ngoài công việc là một marketer, tôi còn có đam mê lớn với truyện tranh và phim hoạt hình. Từ bé, tôi đã có mơ ước sau này viết được bộ truyện để đời “Nhóc láu cá phiêu lưu ký”, và tôi đã không ngừng cầm bút viết mỗi khi có thời gian rảnh. Những câu chuyện viết xong có đôi lần được đăng lên báo trường, cũng có lần được đài truyền hình sử dụng để làm kịch bản phim ngắn.
Đầu năm nay, khi đang là co-founder của một thương hiệu bánh ngọt ở Hà Nội thì tôi nhận cơ hội làm việc cho công ty HFL Media. Nhận thấy định hướng của công ty là xây dựng bộ phim hoạt hình Việt Nam nhưng chất lượng đạt chuẩn thế giới, thành công thuyết phục khán giả Việt, phù hợp với đam mê của bản thân nên tôi đã quyết định “phiêu lưu” cùng HFL Media trên cương vị mới: Trưởng phòng Hợp tác Kinh doanh.
Hiện tại, chúng tôi có trên 300 nhân sự, chuyên sản xuất và phân phối những bộ phim hoạt hình 2D và stop-motion. Những sản phẩm nổi tiếng nhất của chúng tôi có thể kể đến Pea Pea, Lego Cooking, Miniature Cooking, Seegi… đều có hàng trăm triệu lượt xem trên YouTube Kids đến từ khán giả nước ngoài.
Đó như là minh chứng rằng nội dung và chất lượng của những sản phẩm phim “made in Vietnam” hoàn toàn có thể tạo chỗ đứng trên thị trường phim ảnh thế giới. Tuy nhiên, tên tuổi của công ty lại chưa được chú ý nhiều ngay tại sân nhà.
Nhiều bộ phim của công ty có nhân vật chính tạo hình theo văn hóa nước ngoài nên cũng chưa thu hút các bạn thiếu nhi Việt. Chính vì vậy, mục tiêu hàng đầu trong thời gian tới của chúng tôi là xây dựng bộ nhân vật thuần Việt, phục vụ người xem trong nước cũng như phân phối ở nước ngoài.
– Vấn đề kiểm soát nội dung trên nền tảng mạng rất khó khăn đối với các bậc phụ huynh, anh có lời khuyên nào cho các bậc cha mẹ khi tìm kiếm chương trình cho trẻ, tránh được những video độc hại?
Đây cũng là câu hỏi mà rất nhiều anh, chị đề cập với tôi tại Diễn đàn “Tăng trưởng có trách nhiệm” dành cho cựu sinh viên Việt Nam từng học tại Úc vừa tổ chức trong thời gian qua.
Vấn đề kiểm soát nội dung trên Internet thực sự là thách thức lớn khi nuôi dạy trẻ. Tôi nghĩ các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian cùng với con cái khi các bé lên mạng để xem phim. Điều này giúp bố mẹ kiểm soát những nội dung nào con bạn đang yêu thích.
Bằng cách thảo luận và tạo ra một môi trường an toàn, phụ huynh có thể giúp con hiểu và phân biệt được nội dung phù hợp và không phù hợp.
Ngoài ra thì bố mẹ cũng nên tìm hiểu và xây dựng một danh sách các website và kênh đáng tin cậy, thường xuyên cập nhật nội dung phù hợp với độ tuổi của các bé.
Những nội dung phù hợp với các bạn trẻ trong độ tuổi này là những sản phẩm phim đề cao giá trị gia đình, sự tôn trọng, đạo đức cũng như kỹ năng sống cơ bản.
Những bộ phim hoạt hình đến từ công ty đáng tin cậy sẽ giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với nội dung độc hại. Còn đối với một chương trình mới, phụ huynh hãy nhớ tham khảo đánh giá và phản hồi của người dùng khác.
– YouTube là một nền tảng mạnh nhưng sự cạnh tranh rất khốc liệt, anh có những chiến lược gì để có thể theo đuổi mục tiêu mang sản phẩm Việt chinh phục thế giới?
Để có thể theo đuổi mục tiêu mang phim hoạt hình “made in Vietnam” chinh phục thế giới trên YouTube, Công ty chúng tôi đã phải bỏ nhiều công sức và chất xám để đạt được những bước tiến như hiện nay. Rất nhiều dự án của chúng tôi tăng trưởng rất nhanh, mở rộng quy mô team sản xuất gấp 10 lần chỉ trong vòng ít tháng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có những dự án thất bại, bỏ nhiều thời gian và tiền bạc nhưng không nhận được thành tích như kỳ vọng.
CEO của công ty luôn tạo ra môi trường thoải mái cho nhân viên, tạo điều kiện thể hiện khả năng nhiều nhất có thể. Điều này khuyến khích sự sáng tạo, sự chia sẻ ý kiến và khả năng làm việc nhóm hiệu quả. Khi tin tưởng và đặt niềm tin vào con người, công ty đã tạo điều kiện để xây dựng một đội ngũ mạnh mẽ và hiệu suất làm việc cao.
– Anh rất nhiệt tình tham gia các hoạt động của cựu sinh và đã có những thành tích nổi bật. Việc duy trì sự kết nối giữa du học sinh có ý nghĩa thế nào trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và Úc?
Là một cựu du học sinh Úc, tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc duy trì sự kết nối và tương tác giữa cộng đồng du học sinh Việt Nam và Úc. Sự kết nối này không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy mối quan hệ giao lưu giữa hai quốc gia mà còn đóng góp tích cực vào nền văn hóa, giáo dục và kinh tế của cả hai bên.
Mối quan hệ của cộng đồng các du học sinh tạo ra một mạng lưới rộng lớn và đa dạng, kết nối các cá nhân và tổ chức từ cả hai quốc gia. Điều này không chỉ tạo ra một cộng đồng vững mạnh, mà còn thúc đẩy quan hệ kinh tế và đầu tư giữa hai nước.
Việc du học sinh hiểu và có liên kết với cả hai thị trường làm việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác kinh doanh, đầu tư và thương mại giữa các công ty và tổ chức từ cả hai quốc gia.
Sự kết nối giữa du học sinh Việt Nam và Úc tạo cơ hội cho việc trao đổi văn hóa, tập quán, và kiến thức giữa hai quốc gia. Du học sinh có thể chia sẻ và tìm hiểu về các nền văn hóa, lối sống, và giáo dục của nhau, đồng thời mang về những kinh nghiệm và kiến thức mới để phát triển cả bản thân và quê hương.
– Dự định tương lai của anh trong việc phát triển các dự án tại Việt Nam?
Hiện tại, công ty chúng tôi đã ký kết hợp đồng phân phối các bộ phim của mình trên truyền hình, nền tảng trả phí hay trong các chuyến bay của Singapore Airlines và Vietnam Airlines. Các tập phim đều đang trong quá trình lồng tiếng Việt, và sẽ lên sóng trong cuối năm 2023.
Ngoài ra, tôi cũng đang làm việc với nhiều đối tác sản xuất đồ chơi, quần áo, dụng cụ học tập… để tiến hành cấp quyền sử dụng hình ảnh nhân vật hoạt hình của HFL Media, đưa sản phẩm đến gần hơn với các bạn thiếu nhi.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tích cực hợp tác với studio phim hoạt hình lớn trên thế giới, với mong muốn học hỏi kinh nghiệm và cải thiện chất lượng. Tôi tin tưởng công ty có thể sản xuất thêm nhiều series phù hợp với tiêu chuẩn truyền hình, cũng như ra mắt phim điện ảnh chiếu rạp.
– Trân trọng cảm ơn anh.
Hoạt động kết nối cựu sinh viên Việt Nam từng học trong nền giáo dục là một hợp phần quan trọng của Chương trình Phát triển nguồn nhân lực Australia – Việt Nam (Aus4Skills).
Đây là chương trình hợp tác kéo dài 10 năm giữa Việt Nam và Australia, trị giá 86,4 triệu đô la Australia nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn năng lực, nắm bắt các cơ hội kinh tế, đạt được sự phát triển lâu dài và phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, chương trình cũng góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Australia và Việt Nam. Bên cạnh hoạt động cựu sinh, Aus4Skills còn bao gồm Học bổng Chính phủ Australia, các hoạt động xây dựng năng lực giáo dục Đại học, củng cố lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam, và hỗ trợ phát triển kỹ năng lãnh đạo trong lĩnh vực công thông qua Trung tâm Việt-Úc.
Vân Hồng