Mặc dù tình hình căng thẳng với Trung Quốc leo thang tại Biển Đông nhưng Philippines khẳng định chưa cần sự giúp đỡ trực tiếp của Mỹ và “còn lâu’ mới áp dụng Hiệp ước phòng thủ chung.
Một tàu tiếp tế của Philippines và tàu hải cảnh Trung Quốc đối diện nhau ở Biển Đông. (Ảnh: QT) |
Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines Romeo Brawner gần đây cho biết nước này đã từ chối lời đề nghị hỗ trợ các hoạt động ở Biển Đông từ phía Mỹ.
Tuyên bố của ông Brawner được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông trong thời gian gần đây với các vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tiếp tế Philippines.
“Họ (Mỹ) đã đề nghị giúp đỡ và hỏi xem liệu họ có thể giúp đỡ chúng tôi bằng cách nào. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng sử dụng mọi phương án khả thi để giải quyết tình hình trước khi chấp nhận yêu cầu giúp đỡ”, ông Brawner cho biết.
Một số nhà quan sát Mỹ, trong đó có cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Matt Pottinger, đã kêu gọi hải quân Mỹ hỗ trợ trực tiếp cho các nhiệm vụ tiếp tế của quân đội Philippines.
Phản hồi động thái của các nhà quan sát Mỹ, Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Eduardo Ano cho biết đây là hoạt động tự vệ của Philippines và không có lý do gì để Mỹ can thiệp.
Manila và Washington có Hiệp ước phòng thủ chung được ký năm 1951. Reuters nhận định hiệp ước này có thể được kích hoạt để Washington hành động trong trường hợp xảy ra các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào lực lượng, tàu thuyền hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông.
Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Ano cũng chính là người đã trao đổi với người đồng cấp Mỹ Jake Sullivan hồi tháng trước về những lo ngại chung trước “các hành động nguy hiểm và làm leo thang tình hình khu vực” của Trung Quốc. Thế nhưng ông Ano khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung “còn lâu mới được áp dụng”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/philippines-tu-choi-de-nghi-giup-do-cua-my-o-bien-dong-khang-dinh-hiep-uoc-phong-thu-chung-con-lau-moi-duoc-ap-dung-277688.html