(LĐXH) – Mức lương thấp và thiếu cơ hội việc làm trong nước khiến nhiều gia đình tại Philippines và Indonesia phải chia ly khi cha mẹ tìm kiếm công việc ở nước ngoài.
2,3 triệu người đi làm việc ở nước ngoài năm 2023
Khi Gina Fabiano lần đầu xem xét việc rời bỏ ngôi nhà bằng gỗ ở khu vực Rodriguez của Philippines để trở thành người giúp việc tại Ả Rập Saudi cách xa 7.000km, các con đã nài nỉ cô đừng đi.
Họ chưa bao giờ xa nhau chứ chưa nói đến việc khoảng cách quá xa trong thời gian dài như vậy. Gia đình không biết phải sống thế nào nếu không có Fabiano. Nhưng vào thời điểm đó, bà mẹ 43 tuổi của 5 đứa con không có lựa chọn nào khác.
Đất nông nghiệp của gia đình ngày càng không hiệu quả kể từ khi chính phủ quyết định mở bãi rác gần đó vào năm 2022. Thu nhập của gia đình không ổn định. Fabiano và chồng chỉ kiếm được từ 1.000 đến 2.000 peso/tháng (440.000 đến 880.000 đồng). Số tiền đó hầu như không đủ để mua thức ăn và trả học phí cho các con.
mẹ của Fabiano qua đời năm 2016. Với tư cách con thứ hai trong 14 anh, chị em (một số vẫn đang đi học), Fabiano đã phải gánh vác vai trò người đứng đầu gia đình. Vì vậy, khi có cơ hội trở thành người giúp việc tại Ả Rập Xê Út với mức lương 400 USD/tháng, Fabiano đã nắm ngay lấy.
Theo dữ liệu từ Bộ Lao động di cư Philippines, năm 2016, 2,1 triệu người Philippines làm việc ở nước ngoài. Con số này đã giảm trong thời gian đại dịch trước khi tăng lên mức kỷ lục 2,3 triệu vào năm 2023.
Phần lớn đến từ những khu vực nông thôn hẻo lánh và khu phố đô thị nghèo như San Isidro của Rodriguez, nơi cơ hội việc làm rất khan hiếm, đặc biệt là đối với những người như Fabiano vốn chỉ có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
Làm việc ở nước ngoài cho phép người lao động Philippines kiếm được ít nhất gấp đôi mức lương tối thiểu của nước này là 10 USD/ngày. Tuy nhiên, điều đó đi kèm với những cái giá đắt đỏ.
Đối với những bà mẹ như Fabiano, việc làm ở nước ngoài có nghĩa là mất cơ hội chứng kiến con cái trưởng thành, đón các dịp đặc biệt như sinh nhật và Giáng sinh, cũng như bỏ lỡ những khoảnh khắc quan trọng như ngày đầu tiên đến trường và lễ tốt nghiệp của con.
Đối với những người ở nhà, điều đó có nghĩa là vắng bóng người thân yêu, người bảo vệ, cố vấn và bờ vai để dựa vào. “Phần khó khăn nhất là tôi không thể chăm sóc đứa con gái duy nhất”, Fabiano nói về đứa con út còn đang học mẫu giáo khi ra nước ngoài làm việc.
Cơ hội hạn chế
Tại các quốc gia Đông Nam Á như Philippines và Indonesia, việc di cư ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội và mức lương tốt hơn là phổ biến. Các chính phủ và khu vực tư nhân đã có cách tiếp cận khác nhau để hỗ trợ người di cư.
Người lao động ở nước ngoài đóng góp lớn cho nền kinh tế Philippines, nơi 15,5% trong số 117 triệu người sống dưới mức nghèo quốc gia và sống dưới 1,35 USD/người/ngày, theo dữ liệu năm 2023 từ Cơ quan Thống kê Philippines.
Việc xuất khẩu lao động quan trọng đến mức các chính phủ Philippines liên tiếp ban hành nhiều chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động, bao gồm việc cung cấp sự bảo vệ tốt hơn cho người lao động ở nước ngoài và các chương trình cải thiện phúc lợi khi họ trở về.
Nhưng các chuyên gia cho rằng, nỗ lực trên đã không giải quyết được vấn đề tạo ra việc làm tại địa phương và giải quyết vấn đề cơ bản của tỷ lệ thất nghiệp cao – Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo lên 5,1% trong năm nay.
“Hầu hết người lao động phải ra nước ngoài làm việc xuất thân từ những khu vực mà cơ hội việc làm rất hạn chế và thiếu ổn định. Ngay cả khi họ tìm được công việc ổn định, mức lương thường không đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản của gia đình”, ông Marvin Rimas, Tổng thư ký nhóm vận động Migrante Philippines nói.
Đó là lý do có nhiều người di cư tìm kiếm cơ hội việc làm khác ở nước ngoài ngay khi họ hoàn thành hợp đồng ban đầu. “Không có việc làm cho họ ở quê nhà”, ông Rimas nói.
Ngày nay, ở vùng núi xa xôi Kuniran của tỉnh Đông Java (Indonesia), hầu như mỗi gia đình có ít nhất một thành viên có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài. Những ngôi nhà của họ rất dễ nhận biết. Còn những người chưa rời khỏi làng thường sống trong ngôi nhà truyền thống cũ nát làm bằng gỗ và tre.
Trong khi đó, những người đã ra nước ngoài có thể xây cho mình những ngôi nhà làm bằng gạch và bê tông, điều mà trước đây chỉ những người đủ trình độ để tìm kiếm công việc văn phòng trong chính phủ mới có khả năng.
Kuniran không phải ngoại lệ. Indonesia có nhiều làng người di cư, nơi phần lớn dân số trong độ tuổi lao động sống ở nước ngoài. Họ đã gửi về hơn 11 tỷ USD năm ngoái, theo Ngân hàng Thế giới.
Một trong những đặc điểm nổi bật của những ngôi làng như vậy là nhiều trẻ em được ông bà hoặc người thân chăm sóc thay vì cha, mẹ. Gần như suốt cả năm, những ngôi làng này im lìm và vắng vẻ nhưng dân số lại tăng vọt vào những ngày lễ như Tết Idul Fitri.
Những mặt trái
Mức lương hấp dẫn ở nước ngoài có thể gấp 2 đến 3 lần mức lương tối thiểu trung bình của Indonesia là 190 USD/tháng, khiến nhiều thanh niên khao khát tìm việc làm ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhu cầu tăng cao cũng thu hút kẻ lừa đảo tìm cách lợi dụng các thanh niên cả tin chưa bao giờ bước ra khỏi ngôi làng nhỏ bé của họ, chưa nói đến việc ra khỏi đất nước.
Ông Susilo, Giám đốc Migrant Care cho biết, đã thấy những trường hợp mà người lao động tiềm năng bị yêu cầu trả tới 3 triệu rupiah (gần 5 triệu đồng) để làm thủ tục xin cấp hộ chiếu, gấp 6 lần mức giá thực tế. Cũng có những trường hợp bị xô đẩy làm việc ở một quốc gia khác bất hợp pháp vì họ chưa có giấy phép cần thiết.
“Những lao động này chưa bao giờ thấy hộ chiếu chứ chưa nói đến việc biết đến thị thực làm việc. Họ chỉ phát hiện ra việc đi làm bằng thị thực du lịch hoặc thị thực thăm tạm thời khi bị cơ quan chức năng bắt giữ”, ông Susilo nói.
Các nhà hoạt động cũng chỉ ra những tác động khác như việc thiếu cấu trúc gia đình bình thường và tình thương yêu quan tâm của cả cha mẹ đối với con cái khiến trẻ em đôi khi cư xử không đúng mực, học hành yếu kém hoặc vướng phải các rắc rối xã hội. Các nhà hoạt động kêu gọi các chính phủ hành động nhiều hơn để giảm thiểu chi phí xã hội phát sinh từ việc người lao động di cư ra nước ngoài.
Ninh Trần (theo CNA)
Báo Lao động và Xã hội số 130
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/philippines-indonesia-gia-phai-tra-khi-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-20241028201634085.htm