Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2024, Chủ tịch Hạ viện Philippines Martin Romualdez cho biết Philippines sẽ đưa ra khuôn khổ pháp lý cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi nước này làm chủ tịch ASEAN vào năm 2026.
“Chúng tôi muốn dành một khuôn khổ pháp lý cho ASEAN”, ông Romualdes nói. “Cùng với đó là an ninh mạng, những vấn đề đi kèm trí tuệ nhân tạo – lĩnh vực cần nhiều hỗ trợ và quy định. Chúng tôi cảm thấy rằng ở ASEAN, chúng ta có thể tận dụng và tối ưu hóa những phát triển này, nhưng trong khuôn khổ hỗ trợ pháp lý”.
Do sự phát triển quá nhanh của AI, các cơ quan quản lý trên toàn cầu đang gấp rút soạn thảo các quy định để quản lý việc sử dụng AI sáng tạo. Điều này khiến ngành công nghiệp AI có khả năng sẽ được định hình lại.
Khung pháp lý AI của Philippines có thể là một thách thức đối với ASEAN, một khu vực có gần 700 triệu dân và 10 quốc gia với các quy định rất khác nhau về kiểm duyệt, sở hữu trí tuệ, thông tin sai lệch, truyền thông xã hội và sử dụng Internet.
Theo so sánh của Reuters, đề xuất của Philippines sẽ khác với dự thảo “Hướng dẫn về đạo đức và quản trị AI” của ASEAN. Từ tháng 10/2023 đến nay, dự thảo của ASEAN đã được các quốc gia trong khu vực thực hiện theo cách tiếp cận quản lý AI thân thiện với doanh nghiệp.
Một số CEO công nghệ cho rằng hướng dẫn tự nguyện đó sẽ giảm bớt gánh nặng tuân thủ và cho phép có nhiều đổi mới hơn trong khu vực.
Trong khi đó, ông Romualdez cho biết luật về AI đặc biệt quan trọng đối với Philippines vì lĩnh vực thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO) quan trọng của nước này “hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng”.
“Đây là một lĩnh vực rất dễ bị tổn thương trong một ngành rất tươi sáng ngày nay. Hướng đi hợp lý của chúng tôi là chuyển đổi nhân sự và nâng cao kỹ năng của những nhân sự này lên mức hỗ trợ AI”, ông Romualdez nói.
“Trách nhiệm của chúng tôi tại Quốc hội là đưa ra một khuôn khổ pháp lý không chỉ phù hợp với Philippines mà còn rất, rất phù hợp với ASEAN”, ông cho biết thêm.
Ngọc Ánh (theo Reuters)