Ngày 8/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức phiên họp xin ý kiến đối với việc tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa và Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì phiên họp.
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, đại diện các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Quang cảnh phiên họp
Báo cáo về tiến độ triển khai hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho biết: Trong tháng 12, theo lịch của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại diện cơ quan soạn thảo và các chuyên gia đã tham gia 3 phiên làm việc của Ủy ban Văn hóa Giáo dục.
Theo đó, Ủy ban Văn hóa Giáo dục đã tổ chức lấy ý kiến các bên có liên quan đối với dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ , Quốc hội khóa XV và dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Đồng thời Cục trưởng Vũ Minh Đức cũng nêu rõ các nội dung xin ý kiến các Bộ, cơ quan tại phiên họp.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục Vũ Minh Đức báo cáo về tiến độ triển khai hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa thông tin: Luật Nhà giáo đang đi đến thời gian nước rút để trình Quốc hội. Thời gian qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ GDĐT đã rà soát chặt chẽ, có phân tích kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến chính sách. Trong đó, ngoài những vấn đề về phía cơ quan soạn thảo đã đặt ra, từ góc độ cơ quan thẩm tra, có hai vấn đề lớn cần phải cho ý kiến nhiều hơn nữa đó là giải quyết xung đột pháp luật khi ban hành Luật Nhà giáo với những quy định của luật pháp hiện hành có liên quan và phải làm sao những chính sách được quy định trong Luật Nhà giáo đảm bảo tính hợp lý, khả thi.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa, Luật Nhà giáo đang được các Đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội ủng hộ. Chính vì vậy, những chính sách được quy định tại Luật Nhà giáo phải mang tính đột phá, đề cập và giải quyết các vấn đề vướng mắc, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của đội ngũ nhà giáo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại phiên họp
Nhất trí cao với những chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo, Phó Cục trưởng Cục Dân vận, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Phùng Thị Phú cho biết: Quân đội đã nhiều lần cho ý kiến trực tiếp và bằng văn bản bày tỏ nhất trí cao với việc ban hành Luật Nhà giáo.
Theo Phó Cục trưởng Phùng Thị Phú, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội có tính đặc thù ngành nghề. Những nhà giáo trong Quân đội cần tuân thủ những quy định đối với quân nhân, đồng thời cũng thực hiện những quy định liên quan đến nhà giáo nói chung. Vì vậy, cần sớm có dự thảo Nghị định quy định cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội để cấp quản lý thực hiện thuận lợi hơn khi Luật Nhà giáo được ban hành.
Đại diện Bộ Tài chính trao đổi tại phiên họp
Tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính nhận định việc xây dựng, ban hành Luật Nhà giáo là công việc mới, khó, Bộ GDĐT đã có nghiên cứu, rà soát cụ thể, nhiều bước và có đánh giá về mặt tài chính. Để việc ban hành Luật Nhà giáo đảm bảo khả thi, đại diện Bộ Tài chính lưu ý cần phân định rõ các nguồn lực đảm bảo thực hiện, trong đó cần có những đánh giá sâu rộng về tác động của tài chính.
Đại diện Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần làm rõ hơn về khái niệm chức danh nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo và mong muốn cán bộ, giảng viên của học viện cũng là đối tượng điều chỉnh của luật này.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết thúc phiên họp
Phát biểu kết thúc phiên họp, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cảm ơn và ghi nhận ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự. Thứ trưởng cho biết, thời gian qua các Bộ, ngành, cơ quan đã đồng hành cùng với Bộ GDĐT, Ban soạn thảo Luật Nhà giáo để xây dựng, góp ý, từng bước hoàn thiện dự thảo. Thứ trưởng mong rằng các Bộ, cơ quan, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành, góp ý, hoàn thiện hơn về các điều khoản, chính sách được quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo trước khi trình Quốc hội trong thời gian tới.
Nguồn: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10219