Ngày 9/2, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Ninh tổ chức phiên họp thứ ba để đánh giá kết quả hoạt động năm 2022 và thảo luận một số nội dung năm 2023. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, chủ trì.
Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Quảng Ninh được triển khai đồng bộ, bài bản theo chiều hướng tích cực, thể hiện quyết tâm rất cao của tỉnh trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tiêu cực, nhất là các vụ việc, vụ án liên quan tới cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án kinh tế, chức vụ được tăng cường. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, về kinh tế, tiêu cực được thực hiện thường xuyên, chủ động và hiệu quả.
Nhất là trong năm 2022 – năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Quảng Ninh đã sớm ban hành Kế hoạch số 145-KH/TU ngày 3/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phòng, chống tham nhũng tiêu cực 2022”; Chỉ thị số 23 ngày 10/2/2022 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Nghị quyết số 10 ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Ngoài ra, nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xuất hiện với tần suất lớn ở rất nhiều văn bản chỉ đạo của tỉnh.
Tỉnh đã chủ động nhận diện, đánh giá đúng tình hình, chỉ đạo tập trung kiểm tra công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; đồng thời quyết liệt chỉ đạo, khắc phục hậu quả và thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra, giám sát. Việc chỉ đạo, đôn đốc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực theo quy định của Đảng được thực hiên nghiêm túc, đi vào nền nếp. Công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực qua thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực được thực hiện thường xuyên, chủ động và hiệu quả. Số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực được xử lý từ công tác phát hiện, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tăng hơn so với trước. BCĐ, cơ quan Thường trực BCĐ, các thành viên BCĐ tiếp tục đổi mới, hoạt động nền nếp, bài bản, sâu sát, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả.
Qua đó đã góp phần xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và chế độ; góp phần giữ được địa bàn ổn định, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng.
Bám sát chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại chuyến thăm, làm việc với tỉnh ngày 4/6/2022 về việc “cần thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ “then chốt”, bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác”; bám sát những tư tưởng chỉ đạo, tinh thần mới trong Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của BCH Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, hư hỏng; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…, BCĐ Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh thống nhất 5 định hướng lớn trong năm 2023, đó là: Tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị từ tỉnh tới cơ sở trong việc chỉ đạo, triển khai các quy định của pháp luật, của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị sự nghiệp công lập và cả khu vực ngoài nhà nước. Phải xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, không ngừng nghỉ, kết hợp đồng bộ các giải pháp theo tinh thần tích cực phòng ngừa, phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chủ động phát hiện xử lý bằng các biện pháp.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra có trọng điểm, trọng tâm, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, dư luận xã hội quan tâm như quy hoạch, xây dựng, tài chính, tài sản công, đấu giá, đấu thầu, giám định, định giá, tổ chức cán bộ và các địa bàn đang phát triển, cũng như có cơ hội phát triển lớn.
Triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thu hồi tài sản các vụ án, vụ việc đã được phát hiện, nhất là các vụ án, vụ việc đã đưa vào diện theo dõi của BCĐ, của Thường trực, BTV Tỉnh ủy.
Tập trung khắc phục dứt điểm các hạn chế, vi phạm đã được chỉ ra tại các kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng của cả Trung ương và của tỉnh; có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, tiêu cực.
Để thực hiện các định hướng trên, BCĐ Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh yêu cầu đẩy mạnh phổ biến, quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của BCĐ Trung ương và đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng BCĐ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện công khai minh bạch trong các cơ quan, địa phương, đơn vị, gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
BCĐ tiến hành kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, các sở, ngành trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường kiểm tra, giám sát, tập trung ở những lĩnh vực, địa bàn trọng điểm; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, cơ quan tư pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, cần rà soát hoàn thiện các quy chế quy định, quy trình công tác, thực hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ”.
Cùng với đó, tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản, thu nhập gắn với tăng cường xác minh tài sản thu nhập đối với những người có nghĩa vụ kê khai theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội, của nhân dân, báo chí truyền thông, của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục rà soát, cắt giảm tối đa và đơn giản hoá các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cấp phép đầu tư, nhất là lĩnh vực đầu tư công, xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai… Giảm thời gian thực hiện các thủ tục thuế, hải quan, kiểm tra, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hoá, xuất nhập cảnh, kiểm dịch; kiên quyết loại bỏ các rào cản bất hợp lý, các chi phí không chính thức, các hành vi nhũng nhiễu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giữ ổn định, đoàn kết, thống nhất, khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
BCĐ Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ, xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi gồm: Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần quản lý đường sông 3, TP Hạ Long; Vụ án liên quan đến công ty cổ phần Công nghệ Việt Á; Vụ án xảy ra tại Phòng Giáo dục và đào tạo TX Quảng Yên và một số đơn vị có liên quan; Vụ án xảy ra tại Hợp tác xã nông nghiệp Liên Vị 1, xã Liên Vị, TX Quảng Yên.