Tiếp tục nội dung chất vấn, trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), chiều 15/8, tại Hội trường Diên Hồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn bằng hình thức trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến 62 đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành trong cả nước đối với lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn, trả lời chất vấn.
Tại điểm cầu Cao Bằng, đồng chí Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Trung Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Thị Lê An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; một số ngành liên quan.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được lựa chọn chất vấn tại phiên họp vừa là trách nhiệm, vừa là động lực để Bộ NN&PTNT lắng nghe các vấn đề được phát hiện từ lâu và những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn. Đơn cử như việc bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo được sự quan tâm của nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, đại biểu Quốc hội trao đổi chi tiết, các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân trực tiếp gửi đến Bộ NN&PTNT, các nội dung này không chỉ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, mà mỗi tin tức về giá cả, giá lúa, gạo là nỗi thấp thỏm, lo âu, niềm vui, sự phấn khởi của người dân làm nên hạt gạo.
Nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ đối mặt với biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững. Từ các thực tiễn này, ngành NN&PTNT vẫn kiên trì thực hiện chiến lược tổng thể trong dài hạn, vừa linh hoạt xử lý tình huống, quản trị đồng bộ trong ngắn hạn.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về nhóm các vấn đề: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng…). Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Tại phiên chất vấn, có 26 câu hỏi chất vấn và 3 ý kiến tranh luận, các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời với các vấn đề liên quan như: giải pháp gỡ thẻ vàng đã đồng bộ, đầy đủ và triệt để chưa; giải pháp để ngành điều Việt Nam phát triển bền vững; giải pháp nào để quản lý tàu cá thống nhất theo yêu cầu về khai thác thủy sản IUU; giải pháp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tính dự báo và trách nhiệm của các bộ để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt; người nông dân còn thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh; làm rõ nội dung liên quan đến quy hoạch đất trồng lúa; giải pháp để tạo liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản; đánh giá tác động của Hiệp định trợ cấp nghề cá đối với Việt Nam; giải pháp sớm gỡ được cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu; giải pháp hỗ trợ kinh phí những trường hợp bắt buộc tiêu hủy vật nuôi do dịch bệnh; giải pháp khắc phục bất cập về pháp lý liên quan đến IUU…
Các vấn đề chất vấn được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thôn Lê Minh Hoan giải trình làm rõ hơn; nội dung trả lời đúng trọng tâm, không né tránh, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi cho cả trước mắt và lâu dài để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực NN&PTNT. Các bộ, ngành liên quan tham gia trả lời chất vấn, làm rõ thêm một số ý kiến có liên quan được đại biểu Quốc hội quan tâm, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau một ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần, trách nhiệm cao, phiên chất vấn của UBTVQH đã thu hút sự quan tâm của nhân dân và cử tri cả nước, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình dự kiến và đạt được các yêu cầu đề ra. Các nhóm vấn đề thuộc hai lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại phiên họp đúng và trúng, phù hợp với diễn biến thực tế đời sống, cải cách tư pháp, bám sát thứ tự ưu tiên trong rất nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Diễn biến của phiên chất vấn cho thấy vấn đề được chất vấn và trả lời chất vấn sát thực tế và thiết thực, ghi nhận tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm cao đối với người chất vấn và người trả lời chất vấn.
UBTVQH và đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn; đồng thời, ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng như ý kiến của các bộ, ngành liên quan tại phiên chất vấn. UBTVQH đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Đối với lĩnh vực tư pháp, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật được đề ra tại Kết luận số 19-KL/TW, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và các nghị quyết, kết luận của UBTVQH về công tác lập pháp từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tập trung khắc phục tình trạng chậm hồ sơ, đề xuất xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội không phù hợp với quy định hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết. Khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng, chậm ban hành hoặc văn bản quy định chi tiết.
Chỉ đạo thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường cơ chế giám sát và phản biện xã hội, vai trò giám sát của nhân dân đối với công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chú trọng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý các sai phạm, tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản…
Ngành NN&PTNT khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Cập nhật, phân tích, đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường. Củng cố các thị trường hiện có, khai mở các thị trường mới cho nông sản Việt Nam. Tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững.
Theo dõi sát diễn biến thị trường và giá lương thực trên thế giới, có kế hoạch vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Triển khai thực hiện các chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của thủy sản định kỳ 5 năm; điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền đối với một số nghề ở vùng biển phù hợp khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản. Đàm phán, ký kết, phân định vùng biển chồng lấn, vùng chưa phân định giữa Việt Nam với các nước. Điều tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp. Xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng nhà trái phép…
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, UBTVQH sẽ ban hành nghị quyết làm cơ sở để triển khai thực hiện.
K.T