18:33, 20/03/2023
BHG – Chiều 20.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 21, chất vấn một số vấn đề lĩnh vực kiểm sát. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp. Tham dự có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; các ĐBQH khóa XV của tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tiếp tục điều hành phiên chất vấn buổi chiều. Theo chương trình, nội dung chất vấn, tranh luận với Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí gồm 4 vấn đề:
Toàn cảnh phiên họp tại điểm cầu T.Ư |
Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa.
Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn |
Công tác cán bộ của ngành kiểm sát; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của kiểm sát viên và các công chức của viện kiểm sát; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành kiểm sát.
Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát để kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh |
Tham gia chất vấn, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị Viện trưởng làm rõ nguyên nhân của tình trạng còn hàng nghìn đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa được xem xét xử lý và giải pháp để nâng cao hơn nữa tỷ lệ, tiến độ, chất lượng giải quyết, kịp thời khắc phục những sai lầm nghiêm trọng của các bản án, quyết định đã có hiệu lực phát luật.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị Viện trưởng cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tranh luận tại phiên họp |
Tham gia tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam chỉ ra, theo báo cáo cũng như các phát biểu trả lời chất vấn tại phiên họp, nguyên nhân của những hạn chế trong quá trình tố tụng đều là do nhận thức, cách hiểu chính sách, pháp luật chưa thống nhất gây ra những khó khăn trong quá trình xét xử… Đại biểu cho rằng, vấn đề này đặc biệt quan trọng, vì nhận thức còn khác nhau làm sao xử đúng được. Tòa án Nhân dân tối cao đã có văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, hướng dẫn này liệu có được sử dụng trong tất cả hệ thống trong quá trình xét xử hay không? Đại biểu băn khoăn.
Đại biểu Lê Hoàng Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, khi các yêu cầu của cơ quan kiểm soát không được các cơ quan khác thực thi và Viện Kiểm sát không thể thực hiện được công việc. Đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao cho biết thực tế Viện Kiểm sát đã làm hết trách nhiệm trong vấn đề này chưa, hay chỉ ngồi chờ các cơ quan khác cung cấp.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định chất vấn |
Đại biểu Nguyễn Thị Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chất vấn, theo quy định của Luật, Kiểm sát viên kiểm sát ngay từ giai đoàn khởi tố vụ án hình sự để khi tố tụng. Tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung. Điều này không thể không nhắc tới trách nhiệm của kiểm sát viên trong quá trình điều tra. Viện trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này.
Trong phiên buổi chiều, đã có 24 lượt đại biểu tham gia chất vấn, tranh luận thẳng thắn tới Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Các ý kiến trả lời của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cơ bản đầy đủ, rõ ràng, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế và đề ra những giải pháp nâng cao hoạt động ngành kiểm sát trong thời gian tới. Một số nội dung chất vấn liên quan đến ngành công an đã được Bộ trưởng Bộ Công an làm rõ.
Đại biểu Lê Hoàng Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai chất vấn |
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, trí tuệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc đã đề ra. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút sự quan tâm, chú ý của cử tri và nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý một số nội dung trọng tâm trong công tác xét xử, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cần tiếp tục triển khai các giải pháp, nhất là các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp; xét xử các vụ án hình sự đảm bảo nghiêm minh đúng người, đúng tội, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm, nhất là các vụ án tham nhũng, tiêu cực, kinh tế. Khắc phục khó khăn, vướng mắc trong giải quyết tranh chấp đất đai và trong thụ lý vụ việc phá sản. Tiếp tục triển khai phiên tòa trực tuyến, giảm thiểu thời gian, tăng hiệu quả giải quyết, nhất là vụ án hành chính…
Đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tiếp tục có giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng công tác; khắc phục triệt để việc xảy ra một số trường hợp oan sai. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là những dự án lớn, được dư luận quan tâm. Tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Việc truy tố phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật…
Tin, ảnh: Duy Tuấn