Chủ trì Hội thảo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm – Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân – Phó Trưởng ban thường trực Ban soạn thảo dự án Luật. Cùng dự có Thường trực Hội đồng Dân tộc, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật.
Phát biểu mở đầu Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các thành viên Ban soạn thảo tập trung cho ý kiến về 5 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật gồm: việc bổ sung nguyên tắc mới trong Luật về “Bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”; thời điểm Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; quy định tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn, chuyên đề giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; quy định hoạt động giám sát ở mô hình chính quyền đô thị; quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Các đại biểu đánh giá hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng. Đáng lưu ý, dự thảo Luật đã bổ sung một nguyên tắc mới là “Bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nguyên tắc là mục tiêu, mục đích của giám sát và được áp dụng trong mọi trường hợp, mọi hoạt động giám sát. Như vậy, nếu theo nguyên tắc mới được đề nghị bổ sung này thì các hoạt động giám sát chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Trong trường hợp Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội giám sát việc luật ban hành đã đi vào cuộc sống hay chưa thì có thuộc nguyên tắc này hay không?
Nêu vấn đề trên, có ý kiến đề nghị không nên bổ sung nguyên tắc mới, mà chỉ đưa nội dung “Bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” vào tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, quy định tại các Điều 16a, 27a, 41a, 62a, 70a, 80a trong dự thảo Luật.
Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn; chuyên đề giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trên cơ sở luật hóa các quy định của Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 ban hành qu chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH và Nghị quyết số 594/NQ – UBTVQH15 hướng dẫn giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.
Có ý kiến nhất trí với việc bổ sung các quy định trên trong dự thảo Luật để có cơ sở pháp lý vững chắc, thống thất cho hoạt động giám sát. Các quy định này cũng đã được quy định trong các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã có thời gian thực hiện đủ để nghiên cứu luật hóa thành quy định của luật.
Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về việc bổ sung tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn; chuyên đề giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát vào dự thảo Luật, nên chăng vẫn để như hiện nay là quy định, hướng dẫn trong các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khi cần sửa đổi, bổ sung sẽ không quá phức tạp.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo dự án Luật thời gian qua, đề nghị nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp này để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.
Đặt vấn đề, phải chăng bản chất của việc gắn kết 3 hoạt động giám sát, lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước chính là “bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” như dự thảo Luật đã quy định, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung một nguyên tắc mới trong dự thảo Luật, để bảo đảm gắn kết chặt chẽ hoạt động giám sát, lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm tính ổn định, được tổng kết từ thực tiễn và có giá trị điều tiết các mối quan hệ.
Liên quan đến tiêu chí, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tiêu chí phải khái quát, ổn định và là những vấn đề mang tính phổ quát. Cụ thể phải xác định rõ tiêu chí chất vấn, tiêu chí chuyên đề giám sát, tiêu chí giải trình; xem xét xác định các tiêu chí này ở cấp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND và các Ban HĐND.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/phien-hop-ban-soan-thao-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-hoat-dong-giam-sat-cua-quoc-hoi-va-hdnd-i385384/