Thủ tướng lâm thời chưa từng làm chính trị
Chỉ 3 ngày sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và chạy trốn khỏi đất nước hôm 5/8, ông Muhammad Yunus – một cựu chủ tịch ngân hàng từng đoạt giải Nobel Hòa bình vì tiên phong trong việc cung cấp các khoản vay nhỏ cho người nghèo, được mời về làm người đứng đầu chính phủ lâm thời của Bangladesh.
Ông Muhammad Yunus, 84 tuổi, là một giáo sư kinh tế, với kinh nghiệm phong phú trong việc xóa đói giảm nghèo song chỉ là một chính trị gia mới vào nghề. Bạn bè và cộng sự thân thiết của Yunus cũng thừa nhận, cựu chủ tịch ngân hàng Grameen Bank này rất “ngây thơ” về chính trị.
“Ông ấy đã dành cả cuộc đời để giúp đỡ người nghèo”, Mahfuz Anam, tổng biên tập tờ Bangladesh Daily Star và là một người bạn lâu năm của Yunus, cho biết. “Và ông ấy hoàn toàn không quen với thế giới chính trị và cả chính trị ở Bangladesh, nơi đầy rẫy cạm bẫy”.
Bà Rubana Huq, chủ tịch của một tập đoàn may mặc tại Bangladesh, cho biết Yunus đã kể với người chồng quá cố của bà về kế hoạch thành lập một đảng chính trị vào năm 2007. Chồng của bà Huq, người từng là học trò của Yunus, đã khuyên thầy mình từ bỏ ý tưởng này vì ông không có sự hậu thuẫn của tổ chức để điều hành một đảng có chức năng.
“Bạn phải có sự ủng hộ đó, sức mạnh đó, sự ủng hộ từ gốc rễ,” Huq nói. “Giáo sư Yunus là một người tuyệt vời, nhưng ông ấy là một học giả. Ông ấy không phải là một người làm chính trị”.
Sau vài tháng thử sức trong việc xây dựng một chính đảng, Yunus đã từ bỏ ý định làm chính trị. Nhưng kể từ đó, ông đã trở thành tâm điểm của hàng chục vụ kiện cáo và xét xử, khiến ông bị trục xuất khỏi ngân hàng Grameen đồng thời nhận nhiều án tù khác nhau, trước khi phải chạy ra nước ngoài sống lưu vong.
Khi sinh viên trở thành lực lượng trị an
Kể từ sau khi bà Sheikh Hasina từ chức, Chính phủ Bangladesh đã sụp đổ và đất nước Nam Á này rơi vào cảnh hỗn loạn. Cảnh sát không làm việc. Công đoàn cảnh sát nước này cho biết, các sĩ quan sợ bị trả thù sau khi đã thực thi những mệnh lệnh đàn áp biểu tình khiến hàng trăm sinh viên thiệt mạng, nên họ từ chối trở lại làm nhiệm vụ.
Quân đội đứng ra đảm bảo an ninh quốc gia, không để xảy ra tình trạng cướp bóc và trả thù bừa bãi. Trong khi đó, sinh viên trở thành lực lượng bất đắc dĩ giữ gìn trật tự trị an và điều khiển giao thông công cộng.
Nhưng cả quân đội không thể làm thay cảnh sát được mãi và sinh viên, vốn không được đào tạo về chuyên môn thực thi pháp luật, đang biến những hoạt động xã hội mà họ quản lý thành một đống hỗn độn, hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức và cảm xúc của những chàng trai, cô gái đôi mươi chứ không dựa trên những kỹ thuật nghiệp vụ nào.
Vì thế, ngay khi nhậm chức, Thủ tướng lâm thời Muhammad Yunus đã thừa nhận, vấn đề cấp bách nhất với Bangladesh là phải nhanh chóng khôi phục lại an ninh trật tự. Thứ Hai vừa qua đã chứng kiến những tia sáng đầu tiên của tiến triển khi các sĩ quan cảnh sát bắt đầu trở lại đường phố.
Việc cảnh sát làm việc trở lại có thể giúp Bangladesh dẫn vãn hồi tình hình, nhưng an ninh trật tự không phải là vấn đề duy nhất với đất nước Nam Á này.
Khó khăn lớn hơn của Thủ tướng Yunus là tìm nhân sự tốt cho chính phủ lâm thời. Ông đã chọn ra 16 thành viên nội các, một danh sách gồm nhiều người có chuyên môn về học thuật và quản lý các tổ chức phi lợi nhuận, nhưng ít có kinh nghiệm hành chính và điều hành bộ máy nhà nước. Điều này khiến mối lo ngại về sự nhạy bén chính trị của ông ngày càng sâu sắc hơn trong cả các đồng minh và những người chỉ trích.
“Tôi tự hỏi những người này là ai, trình độ chính trị của họ thế nào”, Abdul Awal Mintoo, Phó Chủ tịch Đảng Dân tộc Bangladesh, đảng đối lập chính chống lại Liên đoàn Awami của cựu Thủ tướng Hasina, phát biểu về nội các của ông Yunus.
Để cải thiện yếu tố kinh nghiệm, Thủ tướng Yunus bổ nhiệm một công chức đã nghỉ hưu, Ali Imam Majumder, làm trợ lý đặc biệt. Majumder đã phục vụ ở các vị trí chính phủ cấp cao, bao gồm cả chức vụ thư ký nội các nhưng theo ông Mintoo, vẫn còn quá sớm để nói quyết định này sẽ hiệu quả đến mức nào.
Hiến pháp Bangladesh quy định rằng một cuộc bầu cử phải được tổ chức trong vòng 90 ngày sau khi Quốc hội giải tán. Nhưng các nhà quan sát ở Dhaka cho biết ông Yunus cần nhiều thời gian hơn để bảo vệ ngành tư pháp, cảnh sát và hệ thống bầu cử khỏi sự thâu tóm chính trị mới.
“Nếu chúng ta tổ chức một cuộc bầu cử trong hai năm, chúng ta có thể có một hệ thống chính trị cân bằng”, Thiếu tướng Shahidul Haque, một sĩ quan đã nghỉ hưu và từng là quyền bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh tại, cho biết. “Nhưng nếu chúng ta tổ chức quá sớm, chúng ta sẽ chỉ kết thúc với cùng một thứ cũ”.
Những vụ trả thù chính trị đáng sợ
Lúc này, đã bắt đầu xuất hiện các cuộc trả thù của những thành viên đảng đối lập nhằm vào những người hủng hộ bà Hasina, hay đúng hơn là nhằm vào các đảng viên của Liên đoàn Awami. Báo New York Times hôm thứ Năm (15/8) cho hay, một đám đông cầm gậy tre và ống tre đã đánh đập những người ủng hộ đảng cầm quyền bị lật đổ của Bangladesh tại Dhaka.
Những kẻ tấn công phần lớn là những người ủng hộ các đảng đối lập đã bị chèn ép từ đảng Liên đoàn Awami của cựu Thủ tướng Hasina. Họ đánh bất kỳ ai mà họ nghi ngờ là thành viên của đảng, quất roi vào chân họ trước khi kéo lê họ với chiếc áo rách và khuôn mặt đầy máu.
Theo các nhà quan sát, bất luận đảng của bà Hasina đã làm gì, việc dùng bạo lực trả thù và hành hạ các đối thủ chính trị sẽ chỉ tạo ra một vòng lặp của thù hận, phá hoại sự ổn định xã hội.
Người Bangladesh không lạ gì vòng lặp này và phá vỡ chu kỳ trả thù đã gây đau khổ cho đất nước qua nhiều giai đoạn hỗn loạn là một nhiệm vụ to lớn đối với chính phủ lâm thời của ông Yunus.
Một rủi ro khác là những sinh viên đã biểu tình đưa ông Yunus lên nắm quyền sẽ mất kiên nhẫn và cố gắng tự mình giải quyết vấn đề. Việc từ chức của cựu chánh án Tòa án tối cao Bangladesh vào ngày 10/8 một phần là do một cuộc biểu tình lớn của sinh viên bên ngoài Tòa án Tối cao. Nhiều cuộc biểu tình chính trị như vậy có thể làm suy yếu quyền lực của ông Yunus.
Tại chính trường Bangladesh lúc này, tiếng nói của sinh viên vẫn rất nặng ký. Mỗi bộ trong nội các của Thủ tướng Yunus đều có một ghế dành cho sinh viên, nhằm ghi nhận vai trò của họ trong việc chấm dứt chính quyền trước.
Để đưa Bangladesh sớm trở lại ổn định cả về đời sống chính trị lẫn kinh tế xã hội, chính phủ lâm thời của ông Yunus phải hành động nhanh chóng. Nhưng muốn thế, ông cần kỹ năng, kinh nghiệm chính trị cũng như một ê-kíp giúp sức thực sự dạn dày. Mà những điều đó lại quá khó với cựu chủ tịch ngân hàng này, khó hơn rất nhiều so với việc huy động vốn cho Grameen Bank hay điều hành các hoạt động xóa đói giảm nghèo trước đây.
Nguyễn Khánh
Nguồn: https://www.congluan.vn/bangladesh-phia-truoc-la-gi-sau-con-cuong-phong-chinh-tri-post308002.html