Sẽ không có gì phải băn khoăn nếu như chất liệu sử dụng cho các cuộc thi được “thí sinh” tận dụng từ phế liệu chứ không phải là… mua mới.
“Dạo” một vòng trên mạng, không khó để thấy có rất nhiều cuộc thi thời trang tái chế trong các trường cấp 2, 3 với sự tham gia của đông đảo giáo viên, học sinh, thậm chí, có cả những cuộc thi tổ chức cho “người mẫu nhí” ở các trường tiểu học. Qua bàn tay khéo léo của cô và trò, rất nhiều những bộ trang phục được đầu tư, “thiết kế” vô cùng cầu kì, lộng lẫy và bắt mắt.
Tổ chức những cuộc thi này, tất nhiên, các trường đều xuất phát từ mục đích tuyên truyền cho giáo viên, học sinh nhận thức về những vòng đời của rác nếu được con người tận dụng; về tác hại của rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng đối với môi trường nếu không được phân loại, thu gom và xử lý đúng cách. Thông qua các bài thuyết trình, các tình huống, tiết mục tham dự, những thông tin về rác thải nhựa đến với học sinh một cách dễ hình dung, dễ tiếp thu hơn.
Thế nhưng, mới đây, người viết bài này khá bất ngờ khi trao đổi với một nhân viên lao công của một trường cấp 3 trên địa bàn Hà Nội. Thay cho việc hào hứng ca ngợi về hiệu ứng cuộc thi, câu trả lời mà người lao công đưa ra đó là: “Giấy báo cũ thì các cháu nó tận dụng, nhưng ni lông thì làm gì có tận dụng đâu, mua mới hết”; Câu trả lời tiếp theo về các sản phẩm sau thi đó là: “Các cháu nó chỉ giữ lại làm kỷ niệm vài hôm thôi, hết vui là áo quần váy vóc đó ra thùng rác hết, chúng tôi cứ gọi là tha hồ dọn”.
Cũng cách đây chưa lâu, sau khi cuộc thi thời trang tái chế được một fanpage của một trường THPT lan truyền trên mạng xã hội, phản biện của thành viên có tên Võ Minh Tiến đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều. “Bảo vệ hay xả rác ra môi trường” là câu hỏi được nhiều người nhắc tới. Hoặc, “Lợi đâu chưa thấy, trước mắt toàn thấy rác. Nếu tận dụng rác để thi thì thật sự hoan nghênh, còn mua bao tải nhựa, túi ni lông mới về chế tạo thành quần áo xong rồi vứt ra thùng rác thì thà chẳng thi còn hay hơn”.
Trong một trả lời phỏng vấn, thầy Vũ Xuân Thanh (giáo viên trường chuyên Hoàng Văn Thụ) cũng đã thẳng thắn bày tỏ: “Về bản chất, những cuộc thi tái chế rất đáng hoan nghênh vì đã giúp học sinh phát huy ý thức bảo vệ môi trường và đề cao sức sáng tạo, khả năng làm việc tập thể của các bạn. Tuy nhiên, cuộc thi chỉ thật sự có ý nghĩa khi sản phẩm được làm hoàn toàn từ đồ tái chế. Còn với tình trạng mua các sản phẩm nhựa mới nguyên rồi gán mác “tái chế”, cá nhân tôi nhận thấy cuộc thi như vậy chỉ mang tính hình thức, gây lãng phí tiền bạc và thời gian”.
Đồng quan điểm, sinh viên Hoài Thanh chia sẻ: “Tái chế có thật sự là tái chế hay là mua mới hoàn toàn để thải ra môi trường thêm một lượng rác thải lớn hơn? Mình nghĩ với những cuộc thi như vậy thì nên dẹp bỏ đi là hơn”.
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận mục đích tốt đẹp và hiệu quả tuyên truyền từ các cuộc thi. Nhiều cuộc thi đã được các thầy cô và học sinh tận dụng hoàn toàn nguyên liệu đã được thải bỏ như giấy báo cũ, bao tải, túi ni lông đã qua sử dụng để tạo thành những bộ thời trang bắt mắt. Việc trao thêm cho rác một cuộc đời như vậy rõ ràng có tác động đến nhiều học sinh, giúp các em nhận thức rằng, rác cũng có giá trị nếu được tận dụng đúng cách.
Tuy nhiên, nếu xét đến cùng, để các chi tiết của bộ trang phục đó gắn kết với nhau, vẫn phải sử dụng rất nhiều băng dính, hồ dán, là những thứ vẫn liên quan đến nhựa. Mặt khác, các bộ trang phục này cuối cùng cũng sẽ được bỏ vào thùng rác chứ không có tác dụng sử dụng trong đời sống. Chung quy lại, lợi thì có lợi nhưng phần hại cũng không kém.
Có nhiều phong trào, hoạt động chống rác thải nhựa vẫn đang được triển khai thực hiện tại nhiều trường học mà không phải là thi thời trang tái chế, ví như các mô hình “Ngôi nhà cho rác nhựa”; “Đổi rác thải nhựa lấy quà”, “Rác cho tôi – Sách vở cho bạn”, “Hãy cho tôi ăn nhựa”… Đặc biệt, cuối năm 2022, Lào Cai vừa khánh thành một ngôi trường hoàn toàn từ sản phẩm nhựa tái chế. Những hoạt động ý nghĩa này chắc hẳn chỉ có thể nhận về sự thán phục và những lời ngợi khen.
Thiết nghĩ không quá khó để chúng ta nhận ra mặt trái của những cuộc thi như đã nói trên. Bởi xuất phát từ mục đích tốt đẹp của những người tổ chức, thực hiện nên bản thân người viết không đưa ra những nhận xét nặng nề. Chỉ xin mượn ý kiến của bạn trẻ có tên Hoàng Hiệp – chủ nhân của một video phản biện lại các cuộc thi tái chế “biến tướng” để kết lại bài viết này: “Hãy thực hiện những hoạt động phong trào bảo vệ môi trường một cách thiết thực và ý nghĩa mà không đi xa khỏi bản chất ban đầu của nó”.