Thủ tướng quần đảo Solomon Manasseh Sogavare sẽ thăm Trung Quốc vào tuần tới, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân.
Thủ tướng quần đảo Solomon Manasseh Sogavare sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 9-15/7. (Nguồn: AP) |
Trong chuyến thăm từ ngày 9-15/7, Thủ tướng Manasseh Sogavare sẽ gặp gỡ các quan chức hàng đầu ở Bắc Kinh và thăm các tỉnh Giang Tô và Quảng Đông – nằm trong những tỉnh phát triển nhất của Trung Quốc.
Người phát ngôn Uông Văn Bân cho hay, chuyến thăm của Thủ tướng Solomon sẽ “tạo động lực mới” cho các mối quan hệ và “làm sâu sắc thêm lòng tin chính trị lẫn nhau, mở rộng hợp tác thực chất và tăng cường giao lưu nhân dân”.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, theo ông Uông Văn Bân, quan hệ giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon đã “phát triển nhanh chóng và đạt được kết quả tốt đẹp, mang lại lợi ích cho người dân của cả hai nước và thúc đẩy hòa bình và phát triển ổn định trong khu vực”.
Theo báo ABC (Australia), chuyến thăm của Thủ tướng Manasseh Sogavare tới Trung Quốc làm nổi bật cuộc tranh giành ảnh hưởng đang gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington ở Nam Thái Bình Dương.
Việc quần đảo Solomon cắt đứt quan hệ với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và chuyển sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc, đồng thời ký hiệp ước an ninh có thể cho phép các lực lượng Trung Quốc đóng quân tại quốc đảo này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Mỹ cũng như các nước láng giềng Australia và New Zealand.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với các quốc đảo khác trong khu vực phần lớn đã thất bại.
Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Australia Anthony Alabanese hồi tháng 10/2022, Thủ tướng Sogavare tái khẳng định quan điểm của nước này về việc “không bao giờ” để lãnh thổ của mình “làm căn cứ quân sự của nước ngoài vì điều này không có lợi cho quần đảo Solomon và người dân nước này”.
Nhà lãnh đạo Solomon còn nhấn mạnh, di sản của chính phủ là “bảo vệ tương lai của quần đảo Solomon và người dân, không gây nguy hiểm cho đất nước và người dân cũng như an ninh của bất kỳ quốc gia nào trong Diễn đàn các quần đảo Thái Bình Dương”.
Hiện chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tiến hành kế hoạch mở lại Đại sứ quán Mỹ tại quần đảo Solomon trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Mỹ đã cử một số phái đoàn cấp cao đến khu vực và cuối tháng Chín vừa qua diễn ra hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương tại thủ đô Washington D.C. Ông chủ Nhà Trắng đã công bố một chiến lược mới cho khu vực bao gồm các vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải và bảo vệ khu vực khỏi sự đánh bắt quá mức.
Tổng thông Biden cam kết, Mỹ sẽ cung cấp 810 triệu USD viện trợ mới cho các quốc đảo Thái Bình Dương trong thập kỷ tới, trong đo có 130 triệu USD giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu.