Ngày 6/12, quân đội Mỹ cho biết đã tạm thời ngừng hoạt động toàn bộ phi đội Osprey trên toàn thế giới sau vụ tai nạn vào tuần trước ngoài khơi Tây Nam Nhật Bản.
Một chiếc trực thăng Bell Boeing V-22 Osprey của Mỹ hạ cánh trên tàu USS Mesa Verde trong cuộc tập trận ở Biển Baltic ngày 18/9. (Nguồn: Reuters) |
Theo điều tra sơ bộ, một số trục trặc kĩ thuật đã gây ra vụ tai nạn ngày 29/11 khiến 8 quân nhân Mỹ trên máy bay CV-22 Osprey thiệt mạng. Việc ngừng hoạt động máy bay Osprey của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến sẽ tạo điều kiện để điều tra kỹ nguyên nhân và khuyến nghị, nhằm đảm bảo phi đội Osprey quay lại hoạt động.
Trong vụ tai nạn, một chiếc CV-22 của Không quân Mỹ thuộc Đội tác chiến đặc biệt số 353 tại căn cứ không quân Yokota đã biến mất khỏi radar ngoài khơi đảo Yakushima và rơi xuống vùng biển gần đó.
Nguyên Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ Grant Newsham cho biết, việc dừng triển khai phi đội Osprey sẽ ảnh hưởng tới công tác huấn luyện và khả năng ứng chiến của Mỹ.
Đây không phải lần đầu tiên phi đội Osprey gặp tai nạn. Năm ngoái, 4 nhân viên Mỹ thiệt mạng khi một chiếc Osprey bị rơi ở vùng hẻo lánh phía bắc Na Uy trong đợt tập trận NATO.
Đến tháng 8/2023, ba lính thủy quân lục chiến Mỹ đã thiệt mạng ngoài khơi bờ biển phía bắc Australia khi đang tham gia tập trận quân sự thường kỳ.
“Chim ưng biển” Osprey là máy bay có thiết kế “lưỡng thể” khi có thể bay giống như trực thăng và máy bay cánh cố định. Thủy quân lục chiến Mỹ, Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vận hành máy bay này.
Việc triển khai Osprey ở Nhật Bản đã gây tranh cãi, với những quan ngại cho rằng máy bay này dễ xảy ra tai nạn. Quân đội Mỹ và Nhật Bản trước đó từng nói rằng nó an toàn.