Các chương trình đào tạo phi công UAV ngày càng phổ biến tại Trung Quốc, khi cơ hội việc làm rộng mở trong nhiều lĩnh vực, từ hậu cần, du lịch đến nông nghiệp, quản lý đô thị.
Nhìn thấy tiềm năng của công việc điều khiển máy bay không người lái (drone hay UAV) trong lĩnh vực hậu cần, Bai Wuhen đã tham gia chương trình đào tạo toàn thời gian tại Thâm Quyến, “thủ phủ drone” của Trung Quốc, để có giấy phép và thăng tiến trong sự nghiệp.
Wuhen, 28 tuổi, từng làm trong ngành khách sạn. Anh muốn điều khiển drone cỡ trung ngoài tầm nhìn, kỹ năng đang được săn đón trong lĩnh vực giao hàng bằng máy bay không người lái.
Theo Wuhen, khi lĩnh vực dần được tiêu chuẩn hóa, việc lấy bằng là bước đầu tiên để trở nên chuyên nghiệp hơn.
Nhu cầu đối với chứng chỉ phi công drone đang tăng lên khi người lao động và tân cử nhân Trung Quốc theo đuổi các công việc mới nổi liên quan đến hoạt động của máy bay không người lái, trong bối cảnh Bắc Kinh khuyến khích nền kinh tế tầm thấp, vốn được coi là động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung tâm nơi Wuhen đang theo học do Global Hawk UAV điều hành. Theo nhà sáng lập Yu Jingbing, số lượng học viên tăng vọt trong năm qua. Ông dự đoán học viên năm 2024 sẽ cao gấp đôi so với năm ngoái. Thậm chí, số lượng nhiều đến nỗi họ không có đủ thầy hướng dẫn.
Trung tâm đào tạo Zhifei ở Thượng Hải cũng chứng kiến lượng học viên tăng mạnh kể từ mùa hè. Theo một nhân viên, hầu hết đều muốn có chứng chỉ để đáp ứng yêu cầu đối với một số vị trí nhất định trong quân đội hoặc trong các cơ quan chính phủ. Những tổ chức này đang tích cực ứng dụng máy bay không người lái trong các lĩnh vực như quản lý đô thị.
Bên cạnh đó, nhu cầu còn bùng nổ do các doanh nghiệp tìm kiếm nhân sự vận hành các ứng dụng mới của drone trong hậu cần, du lịch, khảo sát trên không và thanh tra năng lượng. Nhiều người làm việc trong lĩnh vực tài chính và bất động sản cũng góp phần vào xu hướng này vì họ muốn nhảy việc và cần phải có giấy phép thích hợp.
Thị trường bất động sản Trung Quốc đã rơi vào tình trạng sụt giảm kéo dài và ngành tài chính cũng đang phải vật lộn với nợ xấu tăng cao trong bối cảnh suy thoái kinh tế nói chung.
Trong cuộc họp báo tháng 10, Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Li Chunlin cho biết, nền kinh tế tầm thấp, thường bao gồm các hoạt động có người lái và không người lái ở độ cao tối đa 1.000m, đang thiếu hụt khoảng 1 triệu lao động lành nghề.
Thuật ngữ kinh tế tầm thấp được đưa vào báo cáo công việc chính phủ của Thủ tướng Lý Cường hồi tháng 3 và nhắc đến như ngành công nghiệp mới nổi chiến lược. Nó dự kiến tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy đổi mới công nghệ và tạo động lực cho nền kinh tế.
Trung Quốc chỉ có 225.000 người được cấp phép chính thức vận hành UAV vào cuối tháng 6, theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC). Tuy nhiên, có tới hơn 2 triệu UAV được đăng ký với CAAC vào cuối tháng 9, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Trung Quốc, Wang Changshun, tiết lộ tại một diễn đàn ở Bắc Kinh hôm 28/10. Nếu tính cả những thiết bị chưa được đăng ký, ít nhất 3 triệu UAV đang được sử dụng trong nước.
“Chúng tôi hiện đang rất cần các chuyên gia được cấp phép, những người không chỉ có thể lái máy bay không người lái mà còn có khả năng sửa chữa và bảo trì chúng”, Yu nói.
Trung Quốc tăng cường giám sát lĩnh vực drone trong những năm gần đây, đồng thời công nhận vai trò của nó trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các quy định có hiệu lực vào đầu năm yêu cầu các nhà khai thác máy bay không người lái nhỏ, vừa và lớn phải có giấy phép hàng không dân dụng, trừ khi điều khiển các mô hình nhẹ dưới 120m trong không phận không hạn chế.
(Theo SCMP)
Nguồn: https://vietnamnet.vn/phi-cong-uav-thieu-hut-tram-trong-2345671.html