Bộ VHTTDL đã ban hành kế hoạch số 440/QĐ-BVHTTDL về việc Phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Theo Quyết định, Phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 với quan điểm: Marketing du lịch là đột phá chiến lược nhằm phục hồi, phát triển du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả. Marketing du lịch nhằm phát triển thị trường khách du lịch quốc tế đồng thời tăng cường khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa.
Marketing du lịch tập trung vào thương hiệu du lịch Việt Nam, các điểm đến, sản phẩm với các giá trị đặc trưng, vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và con người Việt Nam; đặt chất lượng trải nghiệm của khách du lịch ở vị trí trung tâm. Hoạt động marketing được triển khai theo các chiến dịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với các thị trường mục tiêu theo từng thời kỳ; chủ động dẫn dắt, điều tiết cân đối cung cầu theo từng thời điểm và địa bàn.
Ưu tiên triển khai marketing số; xây dựng và phát huy hiệu quả cơ sở dữ liệu marketing về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch Việt Nam, hình thành hệ thống nội dung số, phát huy tốt các kênh marketing nền tảng số. Đầu tư thỏa đáng cho công tác marketing du lịch. Đẩy mạnh hợp tác công – tư, huy động nguồn lực, sức mạnh tổng hợp của các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Chiến lược với mục tiêu tổng quát nhằm quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể nhằm củng cố, nâng cao sự nhận biết, hiểu biết, sự quan tâm, yêu thích và sự hài lòng đối với điểm đến du lịch Việt Nam. Khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, chất lượng, bền vững, được lựa chọn hàng đầu tại các thị trường mục tiêu, đáp ứng nhu cầu khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.
Tăng lượng truy cập website, lượng thành viên tham gia các nền tảng mạng xã hội của Tổng cục Du lịch, tăng phạm vi tiếp cận và mức độ tương tác của các hoạt động marketing kỹ thuật số. Cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam về các chỉ số liên quan marketing du lịch (về chiến lược phát triển thương hiệu điểm đến quốc gia, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ du lịch, mức độ cạnh tranh về giá…) thuộc Bộ chỉ số đánh giá Năng lực phát triển du lịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới
Đến năm 2025, phục hồi và phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 – 9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 – 15%/năm; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 – 5%/năm
Bên cạnh đó, Chiến lược đưa ra các định hướng chủ yếu như: Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam; Định hướng sản phẩm du lịch; Định hướng thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa; Định hướng quảng bá, xúc tiến. Đồng thời Chiến lược cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; Tập trung, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ marketing du lịch; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông du lịch; Nâng cao năng lực marketing du lịch.