Nhiều doanh nghiệp đầu tư hệ thống nuôi tôm công nghệ cao quy mô trang trại. Ảnh: T. Huyền
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh cần hình thành vùng nuôi tôm ứng dụng CNC với diện tích nuôi đến năm 2025 đạt 4.000ha, sản lượng đạt 144.000 tấn; đến năm 2030 khoảng 5.800ha, sản lượng đạt 208.800 tấn. Trong đó, huyện Bình Đại đến năm 2025 đạt 2.000ha, đến năm 2030 đạt 3.000ha; huyện Thạnh Phú đến năm 2025 đạt 1.500ha, đến năm 2030 đạt 2.000ha; huyện Ba Tri đến năm 2025 đạt 500ha, đến năm 2030 đạt 800ha.
Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp (DN) đầu tư các vùng nuôi tôm CNC. Đến năm 2030 hình thành được 5 vùng nuôi tôm CNC do DN đầu tư như: Đến năm 2030 hình thành được 5 vùng nuôi tôm CNC do DN đầu tư; trong đó, Bình Đại 1.900ha, Ba Tri 300ha, Thạnh Phú 420ha với quy mô 3.350ha tập trung ở huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.
Tận dụng cơ sở hạ tầng đã được đầu tư để phát triển khu vực nuôi tôm ứng dụng CNC có quy mô trang trại, hộ gia đình có diện tích từ 2 – 10ha tại các xã Định Trung, Bình Thắng, Bình Thới, Thạnh Phước, Đại Hòa Lộc (Bình Đại); Bảo Thuận, Bảo Thạnh, Tân Xuân, Tân Thủy, thị trấn Tiệm Tôm, An Đức (Ba Tri); Thạnh Phong, Thạnh Hải, Giao Thạnh, An Điền, An Nhơn (Thạnh Phú).
Thu hút, kêu gọi đầu tư mới trại sản xuất giống tôm biển tại các khu sản xuất giống tập trung ở huyện Bình Đại và Ba Tri, đảm bảo đến năm 2025 có 60% (tương đương 15 tỷ con tôm giống) giống tôm biển đạt chất lượng cao cung cấp cho người/DN nuôi trên địa bàn tỉnh; đến năm 2030, sản xuất tôm giống đạt 20 tỷ con (đạt 70%) nhu cầu của tỉnh.
Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu chủ động sản xuất. Hoàn thiện và đi vào hoạt động các nhà máy chế biến tôm đang triển khai xây dựng. Khuyến khích các DN đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tôm tại Khu công nghiệp Phú Thuận. Sản lượng tôm chế biến các loại đến năm 2025 đạt trên 100 ngàn tấn cho giá trị kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD; năm 2030 đạt trên 150 ngàn tấn cho giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD.
Tổ chức sản xuất, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất dựa trên các hộ, cơ sở nuôi phân tán, nhỏ lẻ hình thành các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) với mục tiêu là mỗi huyện thành lập 1 HTX nuôi tôm CNC đạt 100 tỷ đồng/HTX. Tập trung nguồn lực để phát triển sản xuất 3 vùng tập trung như: 100ha tại xã Bảo Thuận (Ba Tri), 300ha tại xã Thạnh Phước (Bình Đại) và 100ha tại xã Giao Thạnh, Thạnh Hải (Thạnh Phú).
Mời gọi đầu tư để đến năm 2025, các nhà máy chế biến tôm trên địa bàn tỉnh tiêu thụ được khoảng 50 – 60% sản lượng tôm nguyên liệu của tỉnh. Đến năm 2030, các nhà máy chế biến trên địa bàn tiêu thụ được khoảng 80% sản lượng tôm nguyên liệu của tỉnh. Đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm nước lợ tập trung.
T. Huyền