(Dân trí) – “Nói đến xã hội hóa, cứ nhìn y tế với giáo dục đi, quay một hồi xong rồi ông nào có tiền ông đó được phục vụ trước là chết rồi, phát triển văn hóa phải tránh chuyện đó”, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nói.
Quan điểm này được đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đưa ra khi thảo luận tại tổ về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Không phải cứ có tiền là có văn hóa
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nhấn mạnh văn hóa rất quan trọng.
“Chúng ta không chỉ lúc nào cũng tập trung vào mục tiêu kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, có những dấu hiệu hết sức đáng báo động về văn hóa nên phải thay đổi, phải chấn hưng văn hóa”, bà Lan nhấn mạnh.
Dù vậy, bà không đồng ý với cách xây một chương trình mục tiêu quốc gia theo kiểu này, loay hoay lấy vốn ngân sách, cộng thêm vốn xã hội hóa, để cố định lượng ra bao nhiêu phần trăm trong chuyện này, chuyện kia.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đồng ý nên làm nhưng phải nghĩ lại về giải pháp và cách làm. “Đừng quan niệm văn hóa là những điều chúng ta có thể liệt kê ra với số lượng bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu tượng đài, bao nhiêu chương trình này hay phim này, phim kia”, theo bà Lan những điều đó không phải cốt lõi của văn hóa.
Không nói gì cao xa, nữ đại biểu nhắc đến câu chuyện đơn giản của người dân TPHCM khi ra đường mùa mưa phải lội bì bõm, làm thủ tục hành chính rất cực khổ, phải chịu phí bôi trơn, vào bệnh viện không đủ thuốc phải tự đi mua…
“Chúng ta muốn phát triển văn hóa, và văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc chính là nhường cơm sẻ áo, bớt đi khoảng cách giữa người giàu – người nghèo, nhưng tôi thấy khoảng cách này ngày càng cao”, bà Lan nói.
Nữ đại biểu cũng phản ánh thực trạng trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện nhiều hiện tượng khoe giàu, khoe sang và “lý lẽ của kẻ giàu, của kẻ mạnh bao giờ cũng đúng”.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan góp ý nếu đã có chương trình mục tiêu về văn hóa, Chính phủ nên trình cách để cởi trói cho hệ thống công lập, làm sao để có thể sử dụng nguồn vốn xã hội hóa một cách đúng đắn nhất.
“Nói đến xã hội hóa, cứ nhìn y tế với giáo dục đi, quay một hồi xong rồi ông nào có tiền ông đó được phục vụ trước là chết rồi, phát triển văn hóa phải làm sao để tránh chuyện đó”, bà Lan nói.
Theo quan điểm của mình, nữ đại biểu cũng cho rằng “đừng thần tượng hóa tư nhân” vì người đi làm kinh tế, điều kiện tiên quyết là không thể để bị phá sản, không thể bị lỗ vốn. Vì thế, khi làm chương trình này phải tính toán tránh “để tư nhân thì lo họ sẽ chệch hướng, nhưng để Nhà nước làm, không khéo mất rất nhiều tiền lại không hiệu quả”.
“Không phải cứ có tiền là có văn hóa, có những quốc gia hết sức phát triển nhưng khi tiếp xúc mới thấy đạo đức văn hóa của một bộ phận trong lớp trẻ với những thiết chế mới rất kinh khủng. Tôi cũng không mong đất nước chúng ta dù có giàu có mà lại đi tiệm cận với văn hóa đó”, bà Lan chia sẻ.
Tranh luận lại, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng đầu tư cho chương trình này là cần thiết.
Liên quan đến vốn, vị đại biểu quan tâm đến phương thức phân bổ 77.000 tỷ vốn ngân sách Trung ương, cụ thể là sẽ phân bổ cho đối tượng nào, cho địa phương nào, cho chương trình nào.
Theo ông Ngân, cần đầu tư đúng để phát huy được truyền thống lịch sử, bảo tồn các di tích và phát triển văn hóa để trở thành một ngành công nghiệp có sức mạnh mềm, góp phần vào phát triển kinh tế.
Không quản lý được mạng xã hội sẽ tác động xấu đến phát triển văn hóa
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) băn khoăn đây là chương trình đầu tư công, quá nhiều nội dung được đưa ra liệu có dẫn đến sự dàn trải, manh mún và khó thực hiện hay không?
Theo bà cần xác định trọng tâm trọng điểm vào những vấn đề gì cần tập trung tháo gỡ.
Kinh phí dự kiến là 256.250 tỷ đồng, theo đại biểu Lam là khá cao so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác (chỉ trên dưới 100.000 tỷ), vì thế bà đề nghị làm rõ thêm căn cứ, khả năng bố trí vốn, giải ngân số tiền này.
“Băn khoăn nhất là vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%), trong khi điều kiện địa phương mỗi nơi mỗi khác liệu có thực hiện được không, nên chăng xác định ít mục tiêu lại mà món nào ra món đó”, bà Lam góp ý.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tri Thức (TPHCM) băn khoăn khi chương trình phát triển văn hóa thiếu vắng những nội dung ứng dụng trí tuệ nhân tạo – điều mà nhiều nước đã và đang làm rất mạnh.
“Lên các trang YouTube của nước ngoài, nhiều ứng dụng AI giáo dục trẻ em rất tốt khi có những đoạn phim ngắn giáo dục về lịch sử, giúp trẻ tiếp thu nhanh, nhớ luôn mà không cần nói nhiều”, ông Thức dẫn chứng. Từ đó vị đại biểu đề nghị ứng dụng thêm AI trong phát triển văn hóa.
Với quan điểm “không thấy mục tiêu quản lý mạng xã hội” trong chương trình phát triển văn hóa, đại biểu Nguyễn Tri Thức nêu thực tế TikTok, YouTube phủ sóng gần như 100% và ảnh hưởng nhiều tới giới trẻ, nếu không quản lý bài bản sẽ có tác động xấu trong xây dựng văn hóa.
Theo tờ trình của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết.
Tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình dự kiến là 256.250 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2025- 2030 dự kiến 122.250 tỷ đồng.
Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương khoảng 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4 %).
Giai đoạn 2031-2035, tổng vốn để thực hiện chương trình dự kiến là 134.000 tỷ đồng.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/phat-trien-van-hoa-phai-tranh-ong-nao-co-tien-ong-do-duoc-phuc-vu-truoc-20240608221825411.htm