Sau một năm thực hiện, cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp đưa Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững thực sự đi vào cuộc sống. Qua đó, góp phần khơi dậy sức mạnh nội sinh, tạo động lực cho sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 383-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong xây dựng, phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị được nâng lên. Những nội dung về hệ giá trị con người Quảng Ninh với các đặc trưng “Bản lĩnh - Tự cường - Kỷ cương - Đoàn kết - Nghĩa tình - Hào sảng - Sáng tạo - Văn minh” và hệ giá trị của tỉnh là “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc” đã được thấm nhuần, tạo thành ý thức, khẩu hiệu thường trực trong từng cán bộ, đảng viên, người dân.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu với những khó khăn cũng như thách thức mới, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc huy động và phát huy mọi nguồn lực phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh phù hợp với đặc điểm của cơ quan, địa phương, đơn vị.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ Hạ Long Phan Thị Hải Hường cho biết: Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 17, TP Hạ Long tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản, trong đó xác định di sản văn hóa và thiên nhiên là nguồn lực, động lực tăng trưởng, tạo ra sự đột phá phát triển cho nền kinh tế, nâng cao giá trị thương hiệu địa phương. Hạ Long đang kỳ vọng trở thành thành phố của hoa và lễ hội.
Năm 2025, thành phố tiếp tục tổ chức các lễ hội quy mô lớn như lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, lễ hội Carnaval... cùng nhiều sản phẩm du lịch được xây dựng trên nền tảng các nét văn hóa đặc trưng của miền di sản. Trong đó có dịch vụ nghe nhạc trên các tàu nhà hàng, tàu ngủ đêm trên vịnh Hạ Long; sản phẩm du lịch cộng đồng, khám phá, trải nghiệm được đưa vào phục vụ du khách trên cơ sở khai thác, phát huy thiên nhiên núi rừng, bản sắc văn hóa vùng cao như Am Váp Farm ở xã Kỳ Thượng, khu vực du lịch canh nông tại thôn Đồng Đặng (xã Sơn Dương)... Thành phố tiếp tục tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế; đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch gắn với quảng bá văn hóa, con người Hạ Long - Quảng Ninh...
Các đơn vị, địa phương cũng đã tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở, nhằm phục vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn nữa của nhân dân trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Hoàng Ngọc Ngò cho biết: Xác định phát triển kinh tế dựa vào 3 trụ cột là thiên nhiên - văn hóa - con người, huyện Bình Liêu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tình yêu của nhân dân với văn hóa truyền thống, huy động sức mạnh nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy các vốn quý về văn hóa, coi đây là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực cho du lịch phát triển bền vững. Với cơ sở hạ tầng đã được đầu tư trong năm 2025, Bình Liêu tập trung đẩy mạnh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa qua việc tổ chức các lễ hội, ngày hội đặc sắc; duy trì hoạt động 40 CLB nghệ thuật dân gian (hát then, hát pả dung, hát soóng cọ...) nhằm phục dựng những giá trị văn hoá truyền thống của địa phương, tạo nguồn lực phát triển văn hóa cộng đồng trong hiện tại và giai đoạn tiếp theo.
Các đơn vị, địa phương trong tỉnh còn tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa. Trong đó, duy trì việc gắn mã QR tại 370/370 địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa, gắn với việc ứng dụng công nghệ số thiết lập thành hệ thống nhằm góp phần tích cực quảng bá, phát triển du lịch địa phương; lan tỏa những giá trị lịch sử ý nghĩa đến người dân và du khách. Điển hình như TP Hạ Long thực hiện số hóa 3D tại 1 di tích quốc gia đặc biệt và 6 di tích được xếp hạng quốc gia; TP Uông Bí hoàn thiện đề án số hóa truyền thông du lịch thành phố trên các nền tảng số và số hóa 3D quần thể di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử; Tiên Yên số hóa một số tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu, nhà cổ và 6 di tích đã được xếp hạng...
Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án “Thí điểm hình thành và phát triển KCN văn hóa ứng dụng công nghệ cao tại TP Hạ Long” và đề án “Thí điểm thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa Quảng Ninh”, phấn đấu hoàn thành trong quý II/2025.
Những chủ trương đúng đắn cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị dồn lực cho phát triển văn hóa, con người, đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần quan trọng tạo dựng nên vóc dáng của một Quảng Ninh theo hệ giá trị “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”, hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Nguồn
Bình luận (0)