Thực hiện Chỉ thị số 50 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX và Kết luận số 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương đã nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công nghệ sinh học.
Công nghệ sinh học của tỉnh đã có bước phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ứng dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường. Công nghiệp sinh học từng bước được hình thành, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm công nghệ sinh học trên một số lĩnh vực với quy mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu về công nghệ sinh học tăng cả về số lượng và chất lượng.
Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, Bình Thuận tiếp nhận và ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô để nhân giống nhanh một số loại cây như, nhân giống lan, nhân giống cây chuối già lùn, cấy mô cúc đại đóa – trước đây chỉ có thể trồng ở Đà Lạt, nay đã trồng phù hợp điều kiện tự nhiên tại Bình Thuận… Với cây thanh long, là cây trồng đã giúp cho người dân trong tỉnh có việc làm ổn định, thu nhập cao hay còn gọi là cây “xóa đói giảm nghèo”, các đơn vị đã hướng dẫn mô hình sản xuất thanh long theo hướng GAP nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Phong trào làm thanh long VietGAP hiện nay vẫn đang tiếp tục được duy trì và phát triển. Với cây lúa, Trung tâm Giống cây trồng Bình Thuận thực hiện xã hội hóa giống lúa, qua quá trình nghiên cứu giống lúa, đào tạo kỹ thuật viên hướng dẫn, đã cung cấp nhiều giống lúa tốt cũng như hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cho người nông dân trong tỉnh nên nâng suất lúa tăng cao, đạt chất lượng, người nông dân không còn nỗi lo đầu ra. Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành Nông nghiệp đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình “Chăn nuôi heo trên đệm lót lên men” nhằm tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường. Sử dụng phổ biến các chế phẩm sinh học, đặc biệt là chế phẩm EM trong chăn nuôi làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao… Hiện nay, nhiều đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh còn ứng dụng và xây dựng quy trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo, việc nuôi trồng thành công sản phẩm quý này sẽ góp phần tạo ra một dòng sản phẩm quý có giá trị kinh tế rất cao cho địa phương. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ngành công thương đã triển khai Đề án phát triển nhiên liệu sinh học thuộc lĩnh vực công nghiệp, như nghiên cứu, tuyển chọn và tạo các chủng vi sinh vật có khả năng lên men đạt hiệu suất cao, chất lượng tốt và ổn định trong sản xuất phục vụ nhu cầu công nghiệp chế biến. Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ lên men, thiết kế và chế tạo thiết bị lên men để sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, nguyên liệu hóa dược, nguyên liệu sinh học, hàng tiêu dùng cạnh tranh cao trên thị trường. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ngành tài nguyên và môi trường đã phổ biến việc ứng dụng công nghệ sinh học rộng rãi vào xử lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ – du lịch, đang được ứng dụng đã góp phần tiết kiệm kinh phí, mang lại hiệu quả về kinh tế giúp cho doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực công nghệ sinh học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ, một số lĩnh vực quan trọng của công nghệ sinh học lạc hậu, công nghiệp sinh học chưa trở thành một ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng… Để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần phải thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống, phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học….