Nhu cầu sẽ tăng cao trong tương lai
Với sự bùng nổ của nền kinh tế số trên toàn thế giới, đòi hỏi sự phát triển kèm theo của các trung tâm dữ liệu lớn, đủ sức chịu tải của việc số hóa dữ liệu với lưu lượng khổng lồ.
Trong báo cáo thường niên về xếp hạng các thị trường trung tâm dữ liệu trọng điểm trên toàn thế giới của Cushman & Wakefield, thị trường TP.HCM nằm trong nhóm 10 thị trường có giá đất phải chăng cho trung tâm dữ liệu. Trong khi các thị trường lớn nhất tại Châu Á Thái Bình Dương đang chịu áp lực giá đất tăng đặc biệt cao.
Còn theo Báo cáo Trung tâm Dữ liệu Châu Á Thái Bình Dương nửa đầu năm 2023 của đơn vị này, các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Singapore, Sydney và Tokyo đang chiếm 62% công suất hoạt động của tất cả trung tâm dữ liệu trên toàn Châu Á Thái Bình Dương.
Các thị trường mới nổi như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan cũng đang phát triển mạnh mẽ loại hình trung tâm dữ liệu, đang trên đà tăng trưởng tốt trong vòng 5 đến 7 năm tới.
Trong khi đó, quy mô của các trung tâm dữ liệu ngày càng tăng, các nhà khai thác đang liên tục tìm kiếm thị trường mới để mở rộng khi dự đoán nhu cầu ngày một lớn từ việc hoạt động số hóa và áp dụng trí tuệ nhân tạo. Trong 5 thị trường hàng đầu, quy mô trung bình của các trung tâm dữ liệu đang được xây dựng tăng 32% lên 20MW, từ mức trung bình 15MW của các trung tâm dữ liệu hiện đang hoạt động.
Chuyên gia của Cushman & Wakefield cũng rằng, Việt Nam đang là thị trường trung tâm dữ liệu mới nổi do chỉ có một số ít công ty đa quốc gia tại đây có nhu cầu dữ liệu cao. Tuy nhiên, do Việt Nam còn thiếu cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu nhất trong khu vực, mở ra cơ hội lớn cho việc đầu tư, phát triển loại hình này.
Từ các số liệu cho thấy, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam cũng đã tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022. Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company ước tính tốc độ tăng trưởng hàng năm sẽ tiếp tục ở mức 31% cho đến năm 2025.
Nhiều cơ hội và lợi thế
Theo Cushman & Wakefield, Việt Nam có rất nhiều yếu tố cho thấy tiềm năng phát triển lớn về trung tâm dữ liệu trong tương lai, với hơn 70% tỷ lệ dân số đã sử dụng internet. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng dữ liệu và kỹ thuật số của Việt Nam hiện tại còn phân tán và kém phát triển so với quy mô dân số của thị trường và nhu cầu sử dụng dịch vụ internet.
Những hạn chế trên đồng thời cũng lại là cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia và xây dựng trung tâm dữ liệu từ sớm. Theo ghi nhận của Cushman & Wakefield, phần lớn các nhà phát triển nước ngoài đến với Việt Nam sẽ mong muốn thông qua việc ký kết hợp tác với các nhà phát triển nội địa.
Về vị trí, do giá đất tại TP. HCM cũng tăng lên trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm và nguồn cung cấp điện hiện tại hoặc tương lai vẫn còn hạn chế. Điều này đang thúc đẩy các dự án phát triển trung tâm dữ liệu đến các tỉnh lân cận như Bình Dương hoặc Đồng Nai.
Tuy nhiên, tại TP.HCM cũng đã phát triển một số trung tâm dữ liệu lớn như Data Center Tân Thuận của CMC Telecom với tổng diện tích là 13.133 m2; Trung tâm dữ liệu EC51 của Edge Centres, một Công ty trung tâm dữ liệu của Úc…
Ngoài ra vào cuối năm 2022, Công ty VNG đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu mới và đạt chuẩn quốc tế với tên gọi VNG Data Center, tại TP.HCM với quy mô ban đầu 410 tủ rack và sẽ mở rộng lên đến 1.600 tủ. Đây là 1 trong 3 trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đạt chứng chỉ Tier III cả về thiết kế và thiết bị lắp đặt do Uptime Institute – hệ thống đánh giá trung tâm dữ liệu uy tín nhất thế giới cấp.
Cũng vào thời điểm này, Viettel ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud có hạ tầng trung tâm dữ liệu nhiều nhất Việt Nam với 13 trung tâm, quy mô hơn 9.000 tủ rack, trên diện tích 60.000m2 mặt sàn với tổng vốn đầu tư 260 triệu USD. Đây là dự án thứ ba của Viettel tại TP,HCM. Tập đoàn này còn công bố sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng vào Viettel Cloud để mở rộng quy mô lên 17.000 rack vào năm 2025.
So với các loại hình bất động sản khác, trung tâm dữ liệu có lợi thế nhiều hơn do không có quá nhiều yêu cầu liên quan đến địa điểm đặt trung tâm. Đồng thời khi vận hành cũng không gây gánh nặng lên hạ tầng tại khu vực. Điểm yếu duy nhất của loại hình này đó là mức tiêu thụ điện năng lớn và liên tục, nhằm đảm bảo hạn chế độ trễ trong truyền dữ liệu.
Vì lý do đó, để thu hút đầu tư loại hình trung tâm dữ liệu, đòi hỏi sự phát triển hệ thống cung cấp điện của cơ sở và khu vực phải đáp ứng được nhu cầu liên tục của bên thuê. Từ đó đảm bảo được tính lâu dài, bền vững trong việc thu hút loại hình này phát triển tại Việt Nam.
Ngoài ra, Cushman &Wakefield cũng nhận định, khung pháp lý cho trung tâm dữ liệu ở Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng Chính phủ đang tích cực xây dựng các quy định rõ ràng hơn về bảo vệ dữ liệu và dịch vụ trung tâm dữ liệu trong nước.