Dãy núi Yên Tử với đỉnh cao nhất 1.068m, từ lâu đã nổi tiếng về lịch sử và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nổi bật vùng Đông Bắc Tổ quốc, là đỉnh cao của cánh cung Đông Triều, tầm nhìn ra sông Bạch Đằng, vịnh Hạ Long và Biển Đông, sau lưng dựa vào mênh mông đồi núi Bắc Giang, Lạng Sơn. Nơi đây gìn giữ được gần như nguyên vẹn khoảng 2.700ha rừng nguyên sinh, với đa dạng sinh học đặc trưng của rừng núi nhiệt đới, có nhiều loài cây đặc hữu, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn du khách.
Với việc bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị đa dạng sinh học, giá trị thẩm mỹ của cảnh quan thiên nhiên nhằm tôn tạo các giá trị đặc biệt về văn hóa – lịch sử của một trong những triều đại vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam tại khu vực Yên Tử, đồng thời là nơi phát tích Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam; giữ gìn các giá trị truyền thống góp phần tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, giáo dục bảo vệ môi trường và phục vụ tham quan du lịch.
Cùng với đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới các công trình hỗ trợ nhằm góp phần bảo tồn, tôn tạo hệ động, thực vật rừng, các mô hình rừng có giá trị cảnh quan, di tích lịch sử phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, tham quan du lịch, lễ hội truyền thống.
Xây dựng các hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ, gắn kết du lịch với các ngành bán lẻ, dịch vụ ăn uống, nhà hàng – khách sạn, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng trong phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ. Tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động trong phát triển nguồn nhân lực du lịch; nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, gắn với bảo vệ gìn giữ, phát hiện, làm sáng tỏ, phong phú thêm các giá trị văn hóa vật thể chùa, am, tháp…và các giá trị văn hóa phi vật thể của Khu di tích; tôn vinh giá trị bản sắc của Phật giáo Việt Nam, trong đó có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm.
Phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Khu di tích về giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, vệ sinh môi trường… đảm bảo đồng bộ và thuận tiện. Phát triển hệ thống dịch vụ đa dạng, phong phú, chất lượng cao nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách;
Làm căn cứ việc lập các kế hoạch triển khai, các quy hoạch chi tiết xây dựng các khu vực quan trọng, các dự án thành phần công trình hạ tầng, công trình di tích, công trình quản lý… các chương trình bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích hợp lý và hiệu quả, làm cơ sở tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư và triển khai kế hoạch thực hiện, kêu gọi đầu tư, huy động và thu hút các nguồn vốn đầu tư, quản lý và khai thác hiệu quả, cùng với quản lý đất đai, tài nguyên, quy hoạch xây dựng các vùng phụ cận khu di tích dọc hai bên trục đường chính từ Dốc Đỏ vào Nam Mẫu, dọc hai bên quốc lộ 18B. Góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Uông Bí thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh, trung tâm kinh tế phía Tây của tỉnh Quảng Ninh.
Phát triển các cụm di tích trung tâm, bao gồm các di tích từ chùa Giải Oan đến chùa Đồng, gồm các di tích chin như chùa Giải Oan, Hòn Ngọc, Tháp Tổ, chùa Hoa Yên, chùa Một mái, am Hoa, am Dược, am Thiền Định, am Ngọa Vân, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, tượng An Kỳ Sinh, bia Phật, chùa Đồng và các am, thất chưa phát lộ… các tuyến đường hành hương, các cảnh quan danh thắng gắn với các di tích. Khu vực từ Dốc Đỏ đến chùa Suối Tắm bao gồm các công trình dịch vụ ăn nghỉ, bán đồ lưu niệm… phục vụ cho khu vực khách đến chùa Trình; điểm dừng trên tuyến Hà Nội – Hạ Long đồng thời đáp ứng nhu cầu một phần cho nhân dân phường Phương Đông. Các khu dịch vụ du lịch sinh thái Hồ Yên Trung phát triển các loại hình du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, các khu nhà ở cao cấp phục vụ cho du khách đến Yên Tử và nhân dân thành phố Uông Bí. Khu vực thôn Năm Mẫu là cụm các công trình dịch vụ du lịch chính, sau khi từng bước di chuyển các loại hình dịch vụ từ Hoa Yên và bến xe Giải Oan ra. Hình thành các điểm bến xe chính, trang trại, các điểm dịch vụ ăn nghỉ, bán đồ lưu niệm, chợ quê và một số loại hình dịch vụ phục vụ cho dân cư xã Thượng Yên Công. Khi Tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hạ Long hình thành thì khu vực này sẽ trở thành một trong những cửa ngõ quan trọng của thành phố Uông Bí.
Phát huy giá trị di tích công tác trùng tu, tôn tạo và khôi phục hệ thống di tích phải tuân thủ tính nguyên gốc, bảo vệ cảnh quan môi trường, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp cải tạo không gian bảo vệ di tích theo quy định của Luật di sản văn hóa. Các di tích có tiềm năng khảo cổ cần được nghiên cứu, xác định ranh giới khu vực bảo vệ, lập hồ sơ bảo vệ di tích, lập dự án nghiên cứu khai quật và phương án trưng bày các di vật khảo cổ. Di sản văn hóa phi vật thể cần được tổng điều tra nghiên cứu, sưu tầm, đánh giá làm rõ và làm phong phú thêm; trên cơ sở đó lập hồ sơ khoa học, phân loại văn hóa phi vật thể để bảo vệ và phát huy.
Đặc biệt đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, tuyên truyền phổ biến ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong du lịch cho các doanh nghiệp và địa phương trên địa bàn tỉnh như: Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; Ứng dụng “Du lịch Việt Nam – Travel”; Hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; Nâng cấp website du lịch Quảng Ninh; xây dựng bản đồ du lịch Quảng Ninh 3D, sản xuất các clip ngắn quảng bá các điểm đến du lịch Quảng Ninh.
Thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng trong phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ; tăng cường liên kết sản phẩm chặt chẽ trong Vùng đồng bằng Sông Hồng một số tỉnh thành miền Trung, miền Nam; Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với ngành lĩnh vực khác, giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, nhất là du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc ở các khu vực miền đông và phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh.
Thanh Tùng