Dự Hội thảo có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Hồng Hà, Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều lãnh đạo Quốc hội, Bộ, ngành Trung ương.
Tại Hội thảo, các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích từ lý luận tới cơ sở thực tiễn về những điểm nghẽn trong công tác xây dựng các thiết chế văn hóa thời gian qua. Nhiều ý kiến cũng đánh giá thể chế, chính sách là những “bệ đỡ” quan trọng để thu hút được các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch cho rằng: “Chúng ta cũng thấy được những điểm nghẽn về mặt thể chế, trong đó có những khoảng trống về mặt pháp lý trong vấn đề hình thành các thiết chế này. Để huy động được các nguồn lực, Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt trong đầu tư hoàn thiện và huy động thêm các nguồn xã hội khác. Chúng ta cũng phát hiện ra được những điểm nghẽn trong thể chế mặc dù chúng ta đã được đầu tư nhưng quản trị nó phát huy hiệu quả nó thì bằng các công cụ pháp lý khác cũng chưa được đồng bộ”.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có sự đầu tư cho xây dựng và phát triển sự nghiệp Văn hóa, Thể thao. Tính đến hết tháng 3/2024, cả nước có 66 thiết chế văn hoá cấp tỉnh; 689/705 quận, huyện có trung tâm văn hoá – thể thao hoặc nhà văn hoá, đạt tỉ lệ khoảng 97,7%; hơn 77% xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hoá -thể thao; khoảng 69.000/90.508 làng, thôn, bản, ấp… có Nhà văn hoá (đạt tỉ lệ khoảng 76,3%).
Bên cạnh đó là gần 600 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế với hàng trăm nghìn sân vận động; nhà thi đấu có khán đài đủ tiêu chuẩn cấp quốc gia và hàng nghìn cụm sân thể thao khác phục vụ các môn thể thao đỉnh cao cũng như thể thao quần chúng.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kinh phí để đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao vẫn còn hạn chế.
Theo ông Thắng: “Không ít chính sách quy định của pháp luật còn nặng về hướng dẫn chung chung chưa cụ thể hóa đầy đủ dẫn tới nội dung mạnh ai đấy làm, cả trong đầu tư nguồn lực cũng như trong tổ chức hoạt động. Việc ban hành chính sách cũng chưa thực sự chú ý tính đặc thù của một số lĩnh vực văn hóa thể thao.
Ở đây phải kể đến là những lĩnh vực thể thao tinh hoa bác học như là nhà hát giao hưởng, opera…và thể thao thành tích cao. Một số quy định về tổ chức hoạt động và tiêu chí của các thể chế thể thao, văn hóa không phù hợp với thực tiễn”.
Ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng để phát triển tốt hơn và huy động được hệ thống tư nhân đầu tư vào các thiết chế văn hóa, các địa phương cần dành quỹ đất để quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
“Việt Nam trong hội nhập và phát triển thì phải xem văn hóa là một cái chân song hành kinh tế. Doanh nghiệp không phải là chỉ có lo tiền thôi. Họ rất muốn cái lãi của họ là cái lãi tinh thần lâu dài, bền vững, thì văn hóa này là cái quan trọng và cái họ cần một cái cơ chế chính sách, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước. Nếu như tôi có lợi, tôi quảng bá được văn hóa thì chính các thiết chế, các cái chương trình tổ chức hoạt động văn hóa từ Nghị quyết từ chỉ thị, nghị định và các cái quyết định của Quốc hội địa phương là cái cơ bản nhất” – ông Quyết bày tỏ.
Kết luận Hội thảo, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh 5 nhóm vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện để phát triển thiết chế văn hóa và thể thao đáp ứng yêu cầu hội nhập. Trong đó, hoàn thiện thể chế, chính sách, cần xây dựng mục tiêu, lộ trình thích hợp để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về thiết chế văn hóa, thể thao bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi.
“Nghiên cứu hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển và vận hành hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, bao gồm chính sách đầu tư công, chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công – tư và chính sách xã hội hóa; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhất là về đất đai, thuế, vốn tín dụng trong việc xây dựng các cơ sở văn hóa thể dục thể thao để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển’ – ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và đổi mới nội dung, phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đồng thời cần nhân rộng mô hình tổ chức hoạt động tiêu biểu, phù hợp với vùng miền, đối tượng, lứa tuổi, ưu tiên ở vùng miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với tài sản công nói chung và tài sản công ở các thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng.
Nguồn: https://vov.vn/van-hoa/phat-trien-thiet-che-van-hoa-va-the-thao-dap-ung-yeu-cau-hoi-nhap-post1094694.vov