Đánh giá được tầm quan trọng của phát triển thị trường tín chỉ các bon, Hội thảo “Phát triển thị trường tín chỉ các bon: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” được Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức nhằm mục đích đánh giá kinh nghiệm quốc tế trong phát triển thị trường tín chỉ các bon; trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển thị trường tín chỉ các bon tại Việt Nam trong thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê phát biểu khai mạc hội thảo
Tham dự hội thảo, về phía lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN có PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN cùng các lãnh đạo, giảng viên đến từ Khoa Kinh tế Phát triển. Về phía các diễn giả là các chuyên gia kinh tế đến từ các cơ quan, tổ chức, trường đại học trong nước bao gồm TS. Vũ Tấn Phương – Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững, PGS.TS. Lưu Quốc Đạt – Phó Trưởng Khoa Kinh tế Phát triển, trường ĐHKT, ĐHQGHN (trưởng nhóm nghiên cứu về phát triển thị trường tín chỉ các bon), và sự tham gia rất nhiều các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả, giảng viên nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đến từ các cơ quan nhà nước, trường đại học và Viện nghiên cứu.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo bao gồm 03 tham luận chính: (i) Thị trường các bon giá trị cao: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam; (ii) Tiềm năng phát triển thị trường các bon rừng; (iii) Tư vấn chính sách về phát triển thị trường giao dịch tín chỉ các bon.
Một số đề xuất đã được đưa ra sau các bài tham luận, bao gồm: ưu tiên phát triển thị trường các bon rừng; hợp pháp hóa quyền và chuyển quyền các bon dựa vào sở hữu đất đi kèm với các biện pháp đảm bảo an toàn trong cơ chế chia sẻ lợi ích; hướng tới cả thị trường các bon tự nguyện và bắt buộc, có ưu tiên phát triển thị trường tự nguyện; kết nối thị trường các bon nội địa với thị trường các bon quốc tế. Qua phần trình bày của các diễn giả, một số kiến nghị đối với chính phủ được đưa ra như là: nghiên cứu, cân nhắc áp dụng chính sách thuế các bon; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào thị trường tín chỉ các bon; tăng cường hợp tác quốc tế để giảm khí nhà kính; hỗ trợ phát triển công nghệ sạch. Đối với doanh nghiệp, cần: nâng cao năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính; lập kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính phù hợp; trang bị kiến thức về thị trường các bon.
Các bài tham luận của các diễn giả trong hội thảo đã giúp cho các vấn đề được phân tích sâu sắc và toàn diện trên cả góc nhìn của cơ quan nhà nước, tổ chức học thuật và doanh nghiệp. Sau hội thảo, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước các nhà khoa học và quản trị doanh nghiệp sẽ bổ sung thêm được những luận cứ khoa học và thực tiễn toàn diện về phát triển thị trường tín chỉ các bon, để từ đó đưa ra được những phản ứng phù hợp cả về mặt chính sách của nhà nước và hành động của doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu cắt giảm khí nhà kính.
UEB