(HNM) – Lượng phát thải khí nhà kính ở thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 1/4 lượng phát thải cả nước và tiếp tục tăng lên. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thành phố Hồ Chí Minh đề xuất được thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon năng lượng và phát triển thị trường các bon.
Đề xuất thực hiện thí điểm
Tín chỉ các bon được hiểu là một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu được quyền thải khí CO2 hoặc khí thải nhà kính khác. Mỗi tín chỉ các bon được xác nhận là 1 tấn CO2, hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 (viết tắt là CO2e). Nếu các cơ sở giảm được lượng CO2 thải ra sẽ có thể mua bán, trao đổi số tín chỉ tương ứng lượng giảm đó, thu tiền về để tái đầu tư cho công nghệ mới phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Việt Nam đã cam kết giảm 30% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 (lượng phát ra và lượng thu về bằng nhau). Để thực hiện mục tiêu này, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7-1-2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn đã xác định: Giai đoạn 2022-2024 là giai đoạn chuẩn bị; bước đầu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các bon vào năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028.
Đây là những vấn đề rất mới tại Việt Nam, cần được thực hiện thí điểm trước khi triển khai chính thức. Thành phố Hồ Chí Minh rất phù hợp để trở thành địa phương đầu tiên thí điểm thị trường tín chỉ các bon đô thị, trước hết trong lĩnh vực năng lượng. Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018 (thời điểm trước dịch Covid-19), thành phố phát thải 57,6 triệu tấn CO2 , chiếm 1/4 tổng lượng khí thải của cả nước, trong đó 93,6% là từ ngành năng lượng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Năng lượng Vũ Phong Phạm Nam Phong cho biết, nếu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 1%, nhu cầu năng lượng tăng 10%. Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh lại có lợi thế về phát triển điện mặt trời (không phát thải khí nhà kính). Nếu tăng việc sản xuất và tiêu thụ điện từ năng lượng tái tạo này, sẽ giảm phát thải và có dư tín chỉ các bon để bán.
“Những công trình tiêu thụ nhiều năng lượng điện gồm các trung tâm thương mại, tòa nhà, cơ sở sản xuất công nghiệp (khoảng 20% lượng điện tiêu thụ và tăng trung bình 9,3%/năm). Số lượng những cơ sở này tại thành phố Hồ Chí Minh hiện lớn nhất cả nước. Chúng tôi đã khảo sát tại Bệnh viện Đa khoa Củ Chi. Tại đây có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 500kWp, mỗi năm sẽ giảm phát thải được hơn 500 tấn các bon”, ông Phạm Nam Phong nói.
Tham mưu, xây dựng chính sách
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022, thành phố tiêu thụ hơn 22 tỷ kWh điện. Trong khi đó, công suất điện mặt trời mái nhà tại thành phố mới đạt hơn 358MWp, rất nhỏ so với tiềm năng hơn 5.000MWp điện mặt trời của thành phố (tương đương 7 tỷ kWh điện/năm, tạo ra lượng tín chỉ các bon lớn). Tuy nhiên, nhiều cơ quan, đơn vị kinh doanh, các tòa nhà… chưa phát triển điện mặt trời mái nhà, do nhiều vướng mắc.
Điều kiện cần thiết là chính quyền tạo vốn cho vay. Tuy nhiên, các quy định hiện hành không cho phép UBND cấp tỉnh đi vay để cho vay lại với những dự án ngoài danh mục đầu tư của Nhà nước; không được phép ủy thác ngân sách cho vay phát triển điện mặt trời. Mặt khác, chưa có cơ chế sử dụng trụ sở, tòa nhà, công xưởng là tài sản công để lắp điện mặt trời mái nhà cũng như chưa có cơ chế mua bán, trao đổi tín chỉ các bon…
Để giải quyết những vướng mắc trên, UBND thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Trung ương cho phép thành phố được sử dụng nguồn vốn vay để cho vay hoặc ủy thác cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) làm đầu mối cho vay để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, chuyển đổi công nghệ giảm phát thải khí nhà kính tạo ra tín chỉ các bon.
Thành phố sẽ xây dựng, tham mưu cơ chế dùng nguồn thu từ việc trao đổi, mua bán tín chỉ các bon thông qua sàn giao dịch để hoàn trả khoản nợ cho vay và xoay vòng phát triển thị trường tín chỉ các bon cho đến khi có quy định từ Trung ương. Đề xuất cho phép sử dụng các mái nhà cơ quan nhà nước bảo đảm điều kiện kỹ thuật để lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường thông tin, nếu được thông qua, UBND thành phố sẽ phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, tham mưu chính sách trình Chính phủ trong năm 2023. Hiện các vấn đề trên đã được Chính phủ chấp thuận đưa vào nội dung dự thảo nghị quyết mới về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, góp ý hoàn thiện và dự kiến thông qua trong kỳ họp tháng 5-2023.