Phát triển thị trường carbon đang trở thành một xu thế tất yếu trên thế giới. Đây là cơ hội để các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, hướng tới thực hiện mục tiêu trung hòa carbon và chủ động ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khó khăn và khá tốn kém nhưng Việt Nam phải thực hiện nếu không muốn tụt hậu so với thế giới.
Phát triển thị trường carbon ở Việt Nam là xu thế tất yếu khi hội nhập. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/VNS
Xu thế tất yếu
Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các doanh nghiệp của Việt Nam đã bắt đầu tham gia trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường carbon tự nguyện quốc tế từ giữa năm 2000. Đáng chú ý, Việt Nam đã tham gia Cơ chế phát triển sạch (CDM) – một cơ chế hợp tác được thành lập theo Nghị định thư Kyoto – từ năm 2006.
Hiện nay, Việt Nam có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và đã có trao đổi trên thị trường thế giới, đồng thời là một trong bốn quốc gia có dự án CDM đăng ký nhiều nhất (sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ). Riêng tín chỉ thu được từ các dự án CDM, Việt Nam đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ.
Tuy nhiên, cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa có thị trường carbon chính thức. Vì thế, theo các chuyên gia, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon chính thức là hết sức cần thiết. Đây không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là cơ hội để các nước đang phát triển như Việt Nam có thể thực hiện mục tiêu trung hòa carbon và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nói việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp.
“Đây cũng là cơ hội, động lực để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới,” ông Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, phát biểu tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường carbon và hàm ý chính sách cho Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hôm 23/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng việc phát triển thị trường carbon không phải dễ dàng, từ chiến lược, chính sách đi vào cuộc sống là khoảng cách dài, nhất là với các nước đang phát triển chưa có các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh một cách đồng bộ và thống nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết để đẩy nhanh tiến trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò điều phối, tiên phong, cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy xây dựng các khung quan hệ hợp tác xanh với các đối tác quan trọng, có tiềm năng, trong đó có các nội dung hợp tác về thị trường carbon.
Lộ trình phát triển thị trường carbon ở Việt Nam
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP-26) năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mục tiêu không phát thải carbon ròng vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, tháng 1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.
Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon phải phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong văn bản này, Chính phủ xác định: “Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon phải phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, pháp luật hiện hành và các quy định, điều ước quốc tế có liên quan với mục đích phát triển nền kinh tế carbon thấp và tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững”.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã đưa ra lộ trình cụ thể cho việc phát triển và triển khai thị trường carbon ở Việt Nam.
Cụ thể, trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2027, Chính phủ chủ trương xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, đồng thời xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon và triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Mặt khác, Việt Nam sẽ triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo dự kiến, Việt Nam sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025.
Trong giai đoạn từ năm 2028, Việt Nam sẽ đưa vào vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, đồng thời quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ carbon, thị trường carbon trong nước theo quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn./.
Việt Thắng