Vì sao khách hàng “rủ nhau” bùng nợ
Trao đổi tại Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam” được tổ chức sáng 25/4, ông Lê Quốc Ninh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) thông tin, đến ngày 31/12/2022 tổng dư nợ của 16 công ty tài chính do NHNN cấp phép đạt trên 220 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. Mặc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ song đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay, với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.
Toàn cảnh tọa đàm |
Có thể thấy, trong thời gian qua, các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đã không ngừng nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, mở rộng mạng lưới tại các khu chế xuất – khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa… nhằm đáp ứng vốn cho người yếu thế kịp thời đảm bảo nhu cầu thiết yếu.
Tuy nhiên, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng hiện đang gặp khá nhiều thách thức, trong đó có vấn đề nan giải là thu hồi nợ. Cụ thể, vừa qua, lực lượng công an đã vào cuộc rất tích cực góp phần trấn áp tội phạm tín dụng đen, xử lý nghiêm các đối tượng đòi nợ thuê. Tuy nhiên, việc các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra một số trụ sở, chi nhánh, văn phòng mở rộng của các công ty tài chính do NHNN cấp phép đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và dẫn đến hoạt động thu hồi nợ đang bị đình trệ, nợ xấu tăng cao. Một số khách hàng cố tình vin vào những tin tức không tốt này để cho rằng hoạt động thu hồi nợ của tất cả công ty tài chính tiêu dùng là phạm pháp. Đáng chú ý, gần đây một bộ phận khách hàng “rủ nhau” bùng nợ gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công ty tài chính tiêu dùng. Khách hàng không chỉ chây ỳ việc trả nợ mà còn có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần.
Do đó, tỷ lệ khách vay “không trả nợ” ngày càng cao, trong khi đó, chế tài đối với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp. Bên cạnh đó, nhân viên thu hồi nợ của công ty bị ảnh hưởng tâm lý về việc bị đe dọa ngược từ khách hàng; Tỷ lệ nhân sự nghỉ việc cao, tuyển dụng nhân sự khó khăn hơn trước, do nhiều nguyên nhân như định kiến xã hội về công việc, rủi ro tính mạng khi tác nghiệp, tác động của gia đình…
Ông Lê Xuân Đồng – Giám đốc điều hành, Khối dịch vụ nghiên cứu và Tư vấn FiinGroup nêu thực tế, công ty tài chính tiêu dùng đang bị đánh đồng với các bên cho vay nặng lãi, dẫn đến rủi ro vỡ nợ chéo đối với các công ty này. Bởi lẽ, khi có khoản vay tại nhiều bên, khách hàng có xu hướng ưu tiên trả nợ tại các bên phi chính thức do lo ngại về các biện pháp thu hồi nợ cực đoan và chất lượng tín dụng của các khách hàng vay phi chính thức chưa được theo dõi tại bất cứ cơ quan quản lý, trung tâm dữ liệu chính thống nào. Thực tế, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thu hồi nợ còn khá đơn giản, thiếu chế tài đối với các hành vi thu hồi nợ trái pháp luật.
Tăng cường trách nhiệm của người đi vay
Ông Nguyễn Đình Đức – Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH HD SAISON bày tỏ, các công ty tài chính tiêu dùng đều nhất trí, các hành vi thu nợ trái pháp luật bị cả xã hội lên án và phải có giải pháp để ngăn chặn thu nợ trái pháp luật và cần thiết phải có hành lang pháp lý với người đi vay. Ngoài hai công cụ là chấm điểm tín dụng và khởi kiện thì ông Đức đề xuất cần có các chế tài khác như tích hợp thông tin tín dụng với chứng minh thư hay thẻ căn cước để giảm điểm uy tín của công dân với hành vi vay mà không trả nợ. Theo ông Đức, việc bắt buộc người đi vay phải có trách nhiệm với khoản nợ của mình, cũng là giải pháp để hạn chế hành vi thu nợ trái pháp luật.
Theo Luật sư Phạm Văn Phất – Trưởng văn phòng Luật An Phát Phạm, biện pháp đưa ra khởi kiện để thu hồi nợ là không khả thi và không “bõ công” để các công ty tài chính tiêu dùng theo đuổi vụ kiện, bởi lẽ khoản nợ đều nhỏ. Việc nộp đơn để Tòa án thụ lý cũng có nhiều khó khăn; thời gian xử lý kéo dài, có những vụ kéo dài hàng năm 2-3 năm. Cá biệt, theo Luật sư, có vụ bản án phúc thẩm kéo dài đến 9 năm. Liên quan đến hoạt động tài chính tiêu dùng, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch cho các thành phần tham gia thị trường tài chính. Quốc hội cần lắng nghe một số góp ý như có nên hay không một khung pháp lý dành riêng cho hoạt động cho vay tiêu dùng? Liệu có nên gắn các quy định này tại Luật Các TCTD sửa đổi tới đây?
Để phục vụ công tác thu hồi nợ của các công ty tài chính, vấn đề kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư là rất quan trọng. Về vấn đề này, Thiếu tá Đào Đình Nam – Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an hiện nay đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân với 104 triệu dữ liệu dân cư, cấp 80 triệu thẻ căn cước công dân, có tích hợp sinh trắc học khuôn mặt, vân tay. Ngày 25/4, NHNN và Bộ Công an đã ký cam kết để liên kết thông dữ liệu với ngành Ngân hàng với 11 nhiệm vụ lớn. Đối với công ty cho vay tiêu dùng, Bộ phối hợp với NHNN triển khai các phương án xác minh danh tính, một số giải pháp đang thí điểm để xác minh danh tính khách hàng vay.