Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng, là thách thức không nhỏ đối với huyện Thiệu Hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đây cũng được xem là tiêu chí giữ vai trò “đòn bẩy” để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí khác, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Xác định điều đó, huyện Thiệu Hóa đã tập trung chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành tiêu chí này.
Mô hình trồng hoa, dưa Kim Hoàng Hậu mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Thiệu Phú.
Trong bộ tiêu chí mới về XDNTM giai đoạn 2021-2025, nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất được quy định mở rộng, cụ thể, chi tiết hơn. Vì vậy, để người dân dễ dàng tiếp cận và thực hiện, huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo các xã rà soát, đánh giá hiện trạng các chỉ tiêu, tiêu chí theo bộ tiêu chí NTM giai đoạn mới. Theo đó, huyện đã ban hành Nghị quyết số 109/NQ-HĐND về hỗ trợ Đề án phát triển nông nghiệp và XDNTM – đô thị văn minh trên địa bàn. Trong phát triển nông nghiệp, hỗ trợ mua máy gieo mạ, máy cấy để phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cho các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình với mức hỗ trợ tối đa 20%/máy đối với các loại máy có giá trị không quá 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số, xây dựng mã số vùng trồng trong sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo Hội Nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho các HTX, người dân về sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, thâm canh lúa thân thiện với môi trường, trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP…
Cùng với đó, để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện đã quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, duy trì các mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình chuyển từ trồng lúa sang trồng ớt, ngô ngọt, cây ăn quả, rau an toàn tập trung… Đáng chú ý, với diện tích tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân trong việc cung ứng giống, vật tư phân bón, khoa học công nghệ, bao tiêu sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,5 lần trở lên so với sản xuất thông thường.
Trong quá trình sản xuất, các HTX trên địa bàn huyện đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho người dân. Trong đó, chú trọng thử nghiệm và chuyển giao khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhà màng, nhà lưới, các công nghệ chăm sóc cây trồng mới cho người dân. Trong năm 2022, huyện cũng đã có các vùng sản xuất tập trung được cấp giấy xác nhận cấp mã số vùng trồng, như vùng sản xuất dưa Kim Hoàng Hậu ở xã Minh Tâm, vùng sản xuất dưa vàng ở xã Thiệu Phú, vùng sản xuất lúa ở xã Thiệu Phúc… Để góp phần nâng cao giá trị sản xuất của các sản phẩm chủ lực trên địa bàn, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025, xác định các sản phẩm tiềm năng để xây dựng sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện đã có 13 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh.
Bên cạnh trồng trọt, nuôi trồng thủy sản cũng tiếp tục được quan tâm phát triển, bước đầu đã xây dựng được vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, với diện tích 50 ha tại đồng Vước, xã Thiệu Công… Ngành chăn nuôi chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ, phân tán nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại; một số giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, như lợn ngoại hướng nạc, bò BBB, bò lai Zebu…
Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan trong quá trình thực hiện tiêu chí số 13 trong XDNTM, nhưng tại một số xã trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, việc thực hiện các chỉ tiêu còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như đối với tiêu chí có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn, theo Chủ tịch UBND xã Thiệu Phú Hoàng Ngọc Linh: Đối với bộ tiêu chí mới, hiện nay xã chưa có sản phẩm OCOP mà phải thay thế bằng sản phẩm tương đương do trên địa bàn xã năng lực các chủ thể còn yếu nên khó khăn trong đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung có chất lượng sản phẩm đồng đều. Việc áp dụng khoa học – kỹ thuật mới vào sản xuất, chế biến sản phẩm còn hạn chế…
Bên cạnh đó, trên địa bàn toàn huyện, việc hình thành các vùng sản xuất tập trung còn hạn chế do diện tích tích tụ, tập trung đất đai chưa được người dân quan tâm thực hiện. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn hạn chế, nhất là trên diện tích sản xuất hay bị ngập úng, tình trạng bỏ ruộng hoang ở vụ mùa còn xảy ra trên địa bàn nhiều xã. Đi đôi với đó, vai trò của các HTX chưa được phát huy, nhất là việc tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, các mô hình liên kết sản xuất chưa bền vững.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa Trịnh Đức Hùng cho biết: Trong giai đoạn tới, để gỡ khó cho các địa phương thực hiện Tiêu chí số 13 trong XDNTM, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, cơ cấu lại nông nghiệp, có sự đổi mới sáng tạo, đưa Chương trình OCOP tiếp tục đi vào chiều sâu để nâng cao đời sống cho người dân và XDNTM bền vững. Bên cạnh đó, quan tâm, hỗ trợ các HTX trong sản xuất nông nghiệp, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tích cực hướng dẫn các địa phương thực hiện chuyển đổi số, thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Bài và ảnh: Lê Ngọc