(QNO) – Từ những trái quật đất được trồng bởi nông dân bản địa, bà Nguyễn Thị Phúc (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) đã phát triển thành các sản phẩm hữu cơ là trà, rượu, si rô và đặc biệt là mứt quật đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao.
Khởi nghiệp với sản phẩm mứt quật
Đại dịch COVID-19 ập đến khiến nền kinh tế ảnh hưởng, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ lay lắt và cơ sở sản xuất hoa hồng Phúc Nguyễn Rose không là ngoại lệ. Những vườn hồng, quán cà phê vắng khách, ít đơn hàng khiến người phụ nữ đam mê khởi nghiệp Nguyễn Thị Phúc có lúc muốn dừng lại ở con đường kinh doanh.
Nguyễn Thị Phúc chia sẻ: “Nhiều người thân khuyên mình quay trở lại con đường giảng dạy nhưng trót máu lửa với khởi nghiệp rồi thì chẳng thể để giấc mơ dang dở. Bây giờ, tôi nghiệm ra lựa chọn nông nghiệp hữu cơ sẽ là hướng đi bền vững”.
Nhớ lại chuyện trước đây người dân xã Cẩm Hà trồng quật đất lấy trái làm thức uống bồi bổ sức khỏe nên bà Phúc quyết tâm nâng tầm sản phẩm này. Đầu tiên, bà mang hững trái quật đất về lột vỏ làm mứt. Có chút kiến thức về ẩm thực và sự khéo léo của phụ nữ, nên Phúc đã tìm ra được cách loại bỏ vị đắng nhẫn của vỏ quật, vừa giữ vị thanh ngọt, thơm nồng của quật khi đã thành mứt.
“Những sản phẩm thử nghiệm đó tôi nhờ những người có kinh nghiệm dùng thử, đánh giá và phản hồi. Nhiều người khen sản phẩm đạt chất lượng hoàn hảo nên tôi quyết định chọn sản xuất hàng loạt” – bà Phúc nói.
Một rào cản là xã Cẩm Hà chủ trương phát triển thành làng nghề quật cảnh nên cây quật đất rất ít được nông dân trồng. Vì vậy, Nguyễn Thị Phúc đã thuyết phục cha mẹ ruột trồng quật đất trong vườn theo hướng hữu cơ để cung cấp nguồn nguyên liệu. Và khi tìm được thị trường ổn định, bà đã ký kết hợp đồng bao tiêu trái quật đất cho 3 hộ dân khác, đầu tư hệ thống sấy lạnh, máy lột vỏ quật…
Theo bà Phúc, ngoài bí quyết loại bỏ lượng a xít của vỏ quật, để mứt ngon hơn thì không dùng đường trắng mà dùng đường phèn, sấy lạnh 72 giờ mỗi mẻ mứt. Nhờ đó khi ra thành phẩm thì mứt dai, giòn tan, khi ăn xong hậu vị đượm nồng mùi thơm của trái quật, dinh dưỡng vẫn được giữ nguyên.
Hướng mở từ loại cây nông nghiệp bản địa
Cơ sở của Nguyễn Thị Phúc không chạy theo cách thức sản xuất thông thường là sử dụng nấu nóng tạo mứt, chế biến bằng hương vị công nghiệp hay dùng đường công nghiệp… Do đó, năng suất sản xuất hiện vẫn còn thấp, 2 ngày mới sản xuất khoảng 30kg mứt.
Bà Phúc đề xuất: “Các loại máy từ công đoạn cắt, lấy tinh dầu, hấp, sấy… thì chúng tôi vẫn thiếu vì không đủ tài chính nên rất mong chính quyền, các cơ quan hữu quan hỗ trợ mua sắm để sản xuất theo hướng hiện đại, quy mô hơn”.
Hiện sản xuất mứt quật gặp khó khăn do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bởi phần lớn nông dân ở Cẩm Hà chưa chấp nhận bỏ trồng quật cảnh để chuyển sang trồng quật đất lấy trái. Thêm vào đó, mỗi năm quật chỉ cho 2 vụ trái nên sản lượng thu mua không nhiều khiến giá thành sản phẩm còn cao.
“Tôi đã từng từ chối nguồn nguyên liệu không đảm bảo được cung ứng từ miền Nam với giá bán sỉ khá rẻ. Sản xuất theo hướng hữu cơ nên chúng tôi chỉ sử dụng trái quật đất làm mứt để sản phẩm khi dùng phải thật sự an toàn và tốt cho sức khỏe” – bà Phúc khẳng định.
Đến nay, cơ sở Phúc Nguyễn Rose đã đa dạng dòng sản phẩm từ trái quật đất gồm trà quật, nước cốt quật, mức hỗn hợp quật – gừng, mứt ăn kèm bánh…
Hiện nay, mứt quật của cơ sở Phúc Nguyễn Rose tìm được thị trường tiêu thụ ở nhiều thành phố du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc (Kiêng Giang), Đà Lạt… Theo đơn đặt hàng của các nhà hàng, đại lý, cơ sở này dự kiến bao tiêu 4 tấn trái quật đất cho nông dân địa phương.
Nói về dự định cho ngày mai, Nguyễn Thị Phúc cho rằng sẽ nuôi dưỡng ý tưởng phát triển vùng nguyên liệu quật đất Cẩm Hà nhằm tạo chuỗi liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh bền vững. Và xa hơn nâng tầm phát triển quật đất Cẩm Hà thành làng nghề du lịch quy mô như mô hình làng rau Trà Quế.
[VIDEO] – Cơ sở sản xuất các sản phẩm từ quật đất của Phúc Nguyễn Rose: