Định hướng nuôi biển của nước ta
Hiện nay, nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.
Để cụ thể hóa chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 – 1 tỉ USD. Đến 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 – 2 tỉ USD.
Định hướng phát triển ngành nuôi biển của nước ta thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại.
Phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững, hiện đại.
Theo ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ NNPTNT đã ban hành một số chính sách, chương trình khuyến khích, thúc đẩy nuôi biển. Nhờ vậy, ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi, lồng bè, vật liệu mới), công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…
Tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển của nước ta là có. Nhưng muốn bay xa, muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ, đặc biệt là về công nghệ và cơ chế chính sách trong cấp phép giao mặt biển.
Phát huy mô hình nuôi biển đa giá trị tại Quảng Ninh
Chiều 25.3.2024, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Minh Sơn – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh – cho biết: Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 42.292ha; trong đó, nuôi nội địa đạt 32.092ha, nuôi biển đạt 10.200ha;
Tổng sản lượng thủy sản đạt 175.324,6 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 81.608,5 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 93.716,1 tấn. Giá trị sản xuất đạt 6.943,9 triệu đồng, giá trị tăng thêm đạt 3.929,6 triệu đồng chiếm gần 50% giá trị ngành NNPTNT.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Sơn, Quy hoạch 80/QĐ-TTg của tỉnh Quảng Ninh xác định: “Phát triển thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở phát huy lợi thế biển đảo; hoàn chỉnh hệ thống hậu cần nghề cá, nuôi biển chế biến đồng bộ, hiện đại, xây dựng Quảng Ninh trở thành Trung tâm thủy sản của miền Bắc”.
Phát triển thủy sản theo hướng “Giảm khai thác, tăng nuôi trồng, kết hợp hài hòa giữa phát triển thuỷ sản với các ngành nghề kinh tế khác”…, trong đó, tỉnh quy hoạch 50.001ha nuôi nội địa và 45.246ha nuôi biển chiếm khoảng 12% diện tích nuôi biển Quốc gia.
“Quảng Ninh có gần 4.000ha (trong số 13.400ha thu hút đầu tư) đang được các tổ chức doanh nghiệp, HTX khảo sát, nghiên cứu đầu tư tập trung tại 6 địa phương: Vân Đồn, Cẩm Phả, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Hạ Long.
Phát triển thủy sản theo hướng công nghệ cao hình thành chuỗi giá trị lấy doanh nghiệp là nòng cốt, kết nối với 8 cảng cá, 11 cụm công nghiệp chế biến thủy sản tại Quảng yên, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Cô Tô và Móng Cái” – ông Nguyễn Minh Sơn thông tin.