Phát triển Nông nghiệp xanh kết hợp làm du lịch ở Thái Nguyên không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Với việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch như VietGAP, hữu cơ và GlobalGAP, tỉnh Thái Nguyên đang từng bước khẳng định được vị thế của mình trong thị trường nông sản an toàn, đồng thời tạo ra cơ hội phát triển du lịch gắn liền với nông nghiệp.
Thay đổi công nghệ để tạo sản phẩm chất lượng cao
Nông nghiệp xanh không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương thông qua nhiều cách khác nhau.
Người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sức khỏe và an toàn thực phẩm. Việc sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học vừa giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh vừa mang lại sản phẩm an toàn hơn cho người tiêu dùng.
Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, cho hay: Để phát triển nông nghiệp xanh thì nguồn phân bón cho cây trồng chủ yếu là phấn bón hữu cơ, được ủ từ các phụ phẩm nông nghiệp. Hiệu quả nhất của sản xuất xanh – sạch chính là vốn đầu tư thấp hơn nhưng chất lượng, giá thành sản phẩm có tính cạnh tranh cao hơn.
Tuy nhiên, để nông dân bắt nhịp với sản xuất sạch, hướng đến một nền nông nghiệp xanh lại không hề dễ dàng và cần nhiều thời gian. Do đó, Thái Nguyên đã luôn nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân. Đặc biệt, Thái Nguyên đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thực hiện các mô hình sản xuất xuất nông nghiệp xanh – sạch.
Đơn cử như Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên với mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững, trong giai đoạn 2023-2024 đã triển khai các mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam với quy mô 40ha. Mô hình được đánh giá cao khi không chỉ giúp người dân có phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.
Hay như việc triển khai mô hình sản xuất chè theo phương pháp IPHM (bảo vệ sức khỏe cây trồng) của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp – Thương mại – Du lịch Saemaul Phú Nam, xã Phú Đô (Phú Lương) cũng góp phần làm thay đổi tư duy, phương thức sản xuất chè của người dân. Thay vì sử dụng phân bón vô cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật nguy hại cho môi trường, sức khỏe con người, IPHM hướng người dân đến sản xuất sạch, an toàn bằng việc đưa phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên đồi chè.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc HTX Saemaul Phú Nam, sản xuất chè theo phương pháp này mang lại nhiều lợi ích khi không chỉ giúp cải tạo đất, giảm được chi phí đầu vào mà còn giúp năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt.
Ngoài ra, việc áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại như VietGAP hay GlobalGAP cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong việc tiếp cận với các thị trường khó tính. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn sẽ dễ dàng chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế.
Không chỉ có vậy, nông nghiệp xanh còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp giảm thiểu chi phí mà còn nâng cao năng suất lao động. Công nghệ cung cấp giải pháp hiệu quả cho việc chăm sóc cây trồng, quản lý đất đai và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Ghi nhận thực tế cho thấy, sau nhiều nỗ lực, nông nghiệp xanh đã bắt đầu lan tỏa đến các hộ nông dân trong tỉnh toàn tỉnh Thái Nguyên. Đến nay, hầu hết diện tích chè sản xuất tập trung của Thái Nguyên được áp dụng tiêu chuẩn GAP, hữu cơ và tương đương (khoảng 17.800ha). Trong đó, trên 5.300ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 80ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Nhờ vậy, không chỉ nông dân mà cả doanh nghiệp đã nhận được lợi ích từ những tiến bộ này. Đầu tư vào nông nghiệp xanh góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và tạo ra nhiều việc làm mới, kích thích sự phát triển kinh tế địa phương.
Có thể khẳng định, với nhiều nỗ lực, Thái Nguyên đã có những bước “chuyển mình” khá hiệu quả trong phát triển nông nghiệp xanh. Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho hay: “Thực tế chứng minh, cùng với làm thay đổi tư duy người dân, có chính sách hỗ trợ hiệu quả thì việc áp dụng đồng bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất đã góp phần tạo ra nền sản xuất sạch. Đây cũng chính là lời giải cho việc phát triển nền nông nghiệp xanh, an toàn bền vững của Thái Nguyên trong tương lai”.
Nông nghiệp xanh kết hợp với du lịch
Một trong những mục tiêu hàng đầu của việc phát triển nông nghiệp xanh chính là bảo vệ môi trường. Các biện pháp sản xuất thân thiện với môi trường giúp giảm ô nhiễm đất, nước và không khí. Cùng với việc thúc đẩy sản xuất hữu cơ, nông dân có thể tạo ra một môi trường sống sạch sẽ, an toàn cho cộng đồng.
Việc duy trì sự đa dạng sinh học cũng rất quan trọng trong nông nghiệp xanh. Những kỹ thuật canh tác bền vững như trồng xen canh, luân canh và sử dụng các chế phẩm sinh học đều đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.
Phát triển nông nghiệp xanh không chỉ đơn thuần dừng lại ở sản xuất nông sản mà còn mở rộng ra mô hình du lịch nông nghiệp.
Tỉnh Thái Nguyên đã bắt đầu triển khai mô hình du lịch trải nghiệm tại các trang trại nông nghiệp. Du khách có thể tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, từ việc thu hoạch trái cây cho đến tham gia vào các hoạt động chăm sóc cây trồng.
Mô hình này không chỉ tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho nông dân mà còn giúp quảng bá hình ảnh nông sản sạch của Thái Nguyên đến với du khách. Du lịch trải nghiệm còn tạo cơ hội cho du khách tìm hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương, từ đó tạo nên những trải nghiệm đáng nhớ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, các lễ hội nông sản là một phần quan trọng của nông nghiệp xanh. Thái Nguyên có thể tổ chức các lễ hội nhằm tôn vinh các sản phẩm nông sản sạch, đồng thời thu hút sự chú ý của du khách và các nhà đầu tư.
“Những lễ hội này không chỉ giới thiệu về sản phẩm nông sản mà còn có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Điều này sẽ tạo cơ hội cho nông dân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận với các công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp” – ông Lê Công Năng, CEO Wondertour, gợi ý.
Kết nối với các tour du lịch
Thái Nguyên đã xây dựng các tour liên kết với các địa điểm sản xuất nông nghiệp. Những tour này bao gồm việc tham quan các vườn chè, rau sạch, hoa quả hữu cơ, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản… từ đó giúp khách du lịch tìm hiểu sâu hơn về quy trình sản xuất nông nghiệp sạch.
Bên cạnh đó, việc kết nối với các công ty du lịch để đưa sản phẩm nông sản vào các sản phẩm du lịch cũng đã đem lại nhiều hiệu ứng tích cực. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản mà còn tạo cơ hội cho người dân, doanh nghiệp địa phương phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc công ty Món Quà Việt, chia sẻ: Nông nghiệp không chỉ là nền tảng của nền kinh tế mà còn là biểu tượng văn hóa của cộng đồng địa phương. Nông nghiệp xanh giúp gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương. Những phong tục tập quán trong sản xuất nông nghiệp được bảo tồn và phát triển, từ đó tạo nên bản sắc riêng.
Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ, theo quy trình tự nhiên, cũng phản ánh lối sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên của người dân Thái Nguyên. Những nét văn hóa này không chỉ thu hút du khách mà còn tạo nên một cộng đồng đoàn kết, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau.
Ở góc độ chăm sóc sức khỏe, bác sĩ Chu Đức Quang cho hay: Sản xuất nông nghiệp xanh mạnh mẽ sẽ góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. Khi người dân có ý thức sử dụng thực phẩm sạch và an toàn, tỉ lệ mắc bệnh liên quan đến thực phẩm sẽ giảm. Sự thay đổi này không những tăng cường sức khỏe cho người dân mà còn tiết kiệm chi phí y tế. Việc có một môi trường sống trong lành sẽ giúp cho người dân cảm thấy hạnh phúc và hài lòng hơn.
Phát triển Nông nghiệp xanh để làm du lịch ở Thái Nguyên là một chiến lược dài hạn cho sự phát triển bền vững. Những nỗ lực trong việc áp dụng các phương pháp sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, cùng với việc phát triển các mô hình du lịch liên quan đến nông nghiệp sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho người dân.
Với sự hỗ trợ của chính quyền và sự hợp tác từ cộng đồng, Thái Nguyên hoàn toàn có khả năng khẳng định vị thế của mình trên thị trường nông sản sạch và du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong tương lai.
Nguồn: https://pnvnweb.dev.cnnd.vn/phat-trien-nong-nghiep-xanh-ket-hop-lam-du-lich-o-thai-nguyen-huong-di-ben-vung-cho-tuong-lai-20241228085619741.htm