(BLC) – Sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết số 02 NQ-HU ngày 24/8/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tam Đường về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025; đến nay, trên địa bàn huyện Tam Đường đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, với quy mô vừa và nhỏ theo chuỗi liên kết tại các xã, thị trấn. Từ đó, gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích và thu nhập cho người dân.
Với mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện, tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung hiệu quả, bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Nghị quyết số 02 đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể: duy trì, nâng cao hiệu quả 600ha lúa hàng hóa, gắn với chế biến tiêu thu sản phẩm; trồng mới 400ha chè chất lượng cao, nâng tổng diện tích trên 2.200ha, giữ vững và phát huy hiệu quả nhãn hiệu “Chè Tam Đường”; mở rộng và duy trì ổn định diện tích cây dong riềng 120-150ha; xây dựng nhãn hiệu Miến dong Bình Lư; trồng mới 800ha mắc-ca (trong đó trồng xen cây chè 500-600ha), nâng tổng diện tích trên 1.200ha; tiếp tục phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân mở rộng diện tích cây ăn quả 100ha…
Bà con xã Bản Bo, huyện Tam Đường tăng thu nhập từ cây chè.
Để đạt được các mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ huyện Tam Đường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy vai trò của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn trong việc ban hành các văn bản; tuyên truyền, vận động và định hướng Nhân dân thực hiện nghị quyết. Cùng với đó, huyện tổ chức quy hoạch vùng sản xuất dựa trên tiềm năng đất đai, khí hậu phù hợp với từng cây trồng, vật nuôi.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đầu tư, huy động các nguồn vốn đầu tư mở mới và nâng cấp đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng đa mục tiêu chủ động tưới tiêu cho cây trồng. Qua đó, đã tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ giúp hiện thực hóa các chương trình về phát triển nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, huyện duy trì, nâng cao hiệu quả 600ha lúa hàng hóa đạt 100% so với nghị quyết đề ra; sản lượng 3.240 tấn, tại các xã Thèn Sin, Bình Lư, thị trấn Tam Đường… cơ cấu giống chủ yếu Séng cù, DS1, Hương thơm số 1. Tập trung bảo vệ, chăm sóc, thâm canh tốt cây chè hiện có, từ năm 2021 đến nay huyện trồng mới 224,3/400ha chè tập trung, nâng tổng diện tích chè 2.060,4/2.236ha, đạt 92,1% so nghị quyết. Tăng cường canh tác chè theo hướng an toàn, áp dụng các quy trình sản xuất theo GAP, khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Vận động Nhân dân mở rộng diện tích trồng cây mắc-ca, đến nay toàn huyện có 943,3ha mắc-ca, diện tích kinh doanh 341,2ha, sản lượng thu hoạch 1.033 tấn/năm. Riêng với cây dong riềng thực hiện 200/150ha, đạt 133,3% so với nghị quyết; xây dựng thành công nhãn hiệu “Miến dong Bình Lư”.
Đưa Nghị quyết số 02 vào cuộc sống, xã Sơn Bình chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó, đẩy mạnh mô hình liên kết, mô hình sản xuất hàng hóa như: vùng cây ăn quả ôn đới trên 19ha, thu nhập trên 170 triệu đồng/ha; dong riềng hơn 30ha, thu nhập 100 triệu đồng/ha; phát triển 100 đàn ong, giá trị 150 triệu đồng mỗi năm và 17.600m3 nuôi cá nước lạnh, giá trị thu trên 23 tỷ đồng. Thông qua mô hình liên kết giúp người dân nâng cao năng lực, khắc phục những bất lợi về quy mô, diện tích và mạng lại giá trị kinh tế; khắc phục tình trạng “được mùa mất giá” góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giúp người dân yên tâm đầu tư, tham gia thực hiện liên kết sản xuất.
Là một trong những hộ đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình anh Chang A Thào, ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng chanh leo với quy mô 7.000m2. Với quy trình sản xuất khoa học, từ khâu chọn giống đến chăm sóc, thu hoạch nên diện tích cây chanh leo của gia đình phát triển tốt cho năng suất cao, trừ chi phí mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.
Sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết 02 đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao giá trị và thu nhập cho người nông dân. Đến nay, huyện Tam Đường dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn như vùng lúa hàng hóa 600ha, thu nhập 65-70 triệu đồng/ha, vùng cây ăn quả trên 330ha, thu nhập trên 170 triệu đồng/ha; vùng mắc-ca trên 943ha, thu nhập 150 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã có bước tiến khởi sắc, giai đoạn 2021-2023 xây dựng mới 5 cơ sở chăn nuôi trâu, bò, ngựa tập trung nâng tổng số cơ sở chăn nuôi tập trung 11 cơ sở, quy mô trên 15 con/1 cơ sở; phát triển mới 2 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô trên 100 con/cơ sở; phát triển mới 1 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô trên 50 con/1 cơ sở. Từ năm 2021 đến nay thành lập mới 5 hợp tác xã nông nghiệp, hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã. Quan tâm chỉ đạo thu hút các tổ chức, cá nhân vào khảo sát đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn huyện có 13 công ty, trung tâm đang thực hiện đầu tư.
Cán bộ xã Sơn Bình hướng dẫn bà con bản Chu Va 12 chăm sóc chanh leo.
Cùng với đó, huyện Tam Đường tập trung xây dựng nhãn hiệu, từng bước hình thành các thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể xây dựng hồ sơ, hoàn thiện sản phẩm và xây dựng thành công 1 nhãn hiệu “Miến dong Bình Lư” và 3 sản phẩm nhãn hiệu “Mận Tam Đường đặc sản Lai Châu”, “Lê Tam Đường đặc sản Lai Châu”, “Đào Tam Đường đặc sản Lai Châu” đã được Cục sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ. Tăng cường đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 02, thời gian tới huyện Tam Đường tiến hành rà soát các nội dung hỗ trợ để điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hoá. Hướng tới tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển nông nghiệp của huyện một cách bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.