Đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, quỹ đất nông nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh đang bị thu hẹp rất nhanh. Theo thống kê sơ bộ, giai đoạn 2010-2015, mỗi năm thành phố giảm 700ha đất nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020 mỗi năm giảm thêm 1.000ha và dự kiến từ nay đến năm 2030, mỗi năm giảm thêm khoảng 1.500ha đất nông nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết: Trước bối cảnh này, ngành nông nghiệp thành phố đã và đang định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng; đồng thời, giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Đây được xem là hướng đi phù hợp với điều kiện quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp, cũng là hướng đi tất yếu để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao cho nông dân thành phố. Hướng đi này là phù hợp khi ngành nông nghiệp thành phố đang hình thành chuỗi sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang lại thu nhập cao cho nông dân. Hiện, nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực như rau, hoa, cây kiểng, bò, cá cảnh… chiếm tỷ trọng gần 67% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp hằng năm. Trong đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố xuất khẩu khoảng 157 tấn hạt giống, hơn 14 triệu con cá cảnh… với kim ngạch hàng chục triệu USD mỗi năm.
Theo đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị, tập trung phát triển nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Phát triển sản xuất giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng thành phố trở thành trung tâm sản xuất, cung ứng giống cây, con chất lượng, năng suất, giá trị cao của khu vực. Đồng thời, phát triển nông thôn mới theo hướng đô thị nông nghiệp công nghệ cao, đô thị văn minh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Còn tại TP Hà Nội, phát triển nông nghiệp công nghệ cao được xác định là 1 trong 6 giải pháp quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp của Thành phố Hà Nội đã được cụ thể hóa tại Chương trình 02-CTr/TU về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025”. Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, tạo nguồn lực phát triển nền nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại.
Những cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách ưu đãi các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ cao của Thành phố bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Toàn thành phố có 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất giống lúa, rau, hoa và cây ăn quả; 9 doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi – nuôi trồng thủy sản – công nghệ chế biến nông sản… Đặc biệt, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương, hợp tác xã đưa công nghệ cao vào sản xuất rau. Hiện, tại các vùng trồng rau đã có 127ha ứng dụng kỹ thuật nhà lưới, 47ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, 7 nhà sơ chế rau với tổng diện tích 750m2. Thành phố có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa… Từ việc ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của nông sản tăng mạnh, mang lại thu nhập cho người nông dân.
Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững
Phát triển nông nghiệp đô thị an toàn, bền vững được TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm, xem là giải pháp có tính khả thi cao để đáp ứng một phần nhu cầu về lương thực, rau quả và các loại nông sản một cách trực tiếp, tại chỗ cho cư dân đô thị. Tháng 4-2017, Thành ủy Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về “Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016-2025”. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1652/QÐ-UBND phê duyệt Ðề án Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ xác định phát triển nông nghiệp đô thị là hướng đi tất yếu nhằm gia tăng giá trị kinh tế và tạo diện mạo mới cho vùng ven đô. Do đó, ngành Khoa học và Công nghệ tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ 4.0 phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, vừa qua Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững” nhằm khẳng định vai trò, vị trí của nông nghiệp đô thị trong không gian đô thị; sự cần thiết phải tổ chức nông nghiệp đô thị để hướng đến quy hoạch phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững.
Theo PGS.TS Lê Văn Vàng, Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp, Trường Ðại học Cần Thơ, phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là giải pháp tối ưu giúp TP Cần Thơ đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng với việc gia tăng tỷ lệ dân cư đô thị. Ðể đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, TP Cần Thơ cần xây dựng hệ thống pháp lý, cơ chế chính sách ưu đãi và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp đô thị; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp đô thị. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần triển khai thực hiện các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp đô thị theo điều kiện cụ thể để xây dựng nền tảng kiến thức giúp điều chỉnh và phát huy hiệu quả của lĩnh vực sản xuất này trong tương lai.
Tại Đà Nẵng, từ năm 2010, UBND Thành phố đã đề ra chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị, hỗ trợ nông dân làm các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đô thị hóa. Đến nay, Đà Nẵng là một trong những địa phương có những mô hình nông nghiệp đô thị khá hiệu quả.
Để xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, UBND TP. Đà Nẵng mới ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Thành phố. Kế hoạch đặt mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức về phát triển “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với nhu cầu của thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm. Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng gắn với du lịch và đô thị.
Theo đó, TP Đà Năng đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 đạt bình quân từ 3,0 – 3,5%/năm. Trong đó, nông nghiệp đạt từ 1- 2%/năm; thủy sản đạt từ 3- 4%; lâm nghiệp đạt từ 4- 5%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động thủy sản, nông lâm đạt bình quân từ 5,5 – 6,0%/năm. Phấn đấu thu nhập bình quân dân cư nông thôn đến năm 2030 cao gấp 3 lần so với năm 2020. Tỉ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Phát triển nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Diện tích trồng lúa hữu cơ đạt trên 1.000 ha, hình thành các mô hình điểm về nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn, nông nghiệp thông minh…
Thực hiện mục tiêu trên, TP. Đà Nẵng nhiệm vụ chính đặt ra là đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới tư duy, nhận thức và hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn; hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả; đổi mới, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao; đổi mới cơ cấu đầu tư công, thu hút nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn và đầu tư, hoàn thiện hạ tầng phục vụ nông nghiệp tích hợp đa giá trị, phát triển nông thôn hiện đại, bền vững…/.