SGGP
Theo Sở TT-TT TPHCM, chỉ tiêu phát triển kinh tế số của TPHCM đến năm 2025 với GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) hàng năm tăng khoảng 8%; tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60% và kinh tế số đóng góp 25% (năm 2025), 40% (năm 2030) trong GRDP. Vì vậy, dữ liệu số đóng vai trò rất quan trọng và TPHCM đã có chiến lược rõ ràng về nguồn tài nguyên này.
Người bệnh đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức bằng dữ liệu bệnh án điện tử. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Như một tài sản cốt lõi
Trong kế hoạch triển khai Chương trình “Chuyển đổi số của TPHCM” và Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh” năm 2023, cơ quan nhà nước tập trung vào các hoạt động phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số với nhiều định hướng. Trong đó, dữ liệu được chia sẻ tới nhiều người dùng và có cơ chế trao đổi dữ liệu an toàn, được xây dựng để hỗ trợ và kiểm soát các dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên toàn thành phố. Hiện nhiều sở, ngành, quận, huyện đã tích cực triển khai phát triển nguồn tài nguyên dữ liệu số.
Cụ thể, ngành Bảo hiểm xã hội TPHCM đã liên thông dữ liệu với các cơ sở khám chữa bệnh và bàn giao toàn bộ cơ sở dữ liệu cho ngành Y tế để xây dựng hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử; quận Bình Thạnh đã cập nhật dữ liệu dân cư của 450.000 nhân khẩu với 120.000 hộ dân, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quản lý nhân hộ khẩu.
Còn tại quận 1, công tác số hóa dữ liệu hộ tịch đã hoàn thành từ tháng 6-2021, đang tiếp tục chỉnh lý và số hóa hồ sơ nhà đất để việc giải quyết hồ sơ nhà đất của người dân được nhanh chóng, thuận tiện hơn… Việc chuẩn hóa dữ liệu số theo chiến lược quản trị dữ liệu không chỉ hướng đến phục vụ công tác quản lý, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, mà người dân, doanh nghiệp còn được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp (thuộc danh mục dữ liệu theo quy định) để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, chiến lược quản trị dữ liệu của TPHCM được xây dựng dựa trên bài học thành công quốc tế, phù hợp với chính sách của Chính phủ và gắn với mục tiêu phát triển của thành phố. Nguyên tắc căn bản của quản trị dữ liệu là tạo lập, duy trì sự đảm bảo, tin cậy và bảo mật cho tất cả tài sản dữ liệu quan trọng của thành phố. Dữ liệu được “nuôi sống” bằng hệ thống thông tin chuyên ngành, các kho, trung tâm dữ liệu chủ và các dữ liệu về con người, doanh nghiệp, đất đai, không gian… sẽ được phát triển như tài sản cốt lõi.
Hoàn thiện dữ liệu đến năm 2025
Thời gian qua, TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp nhằm triển khai đô thị thông minh và chuyển đổi số, trong đó xác định dữ liệu số là một nền tảng, chìa khóa quan trọng để chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, xây dựng chính quyền số. Ngày 6-2-2023, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-UBND về phê duyệt Chiến lược quản trị dữ liệu của TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chiến lược xác định các nhiệm vụ cụ thể và kết quả cần đạt được từ nay đến năm 2025 là triển khai kho dữ liệu dùng chung, triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành và số hóa, sử dụng hiệu quả dữ liệu số hóa; cung cấp dữ liệu thống nhất, tin cậy, bảo mật, an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu để khai thác sử dụng nhằm tạo giá trị gia tăng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho thành phố…
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, để đạt được các mục tiêu của chiến lược dữ liệu, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải giáp chứ không chỉ là yếu tố kỹ thuật. Dữ liệu được tạo ra từ hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nên ngoài việc sử dụng để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quản lý nhà nước thì còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần hướng đến việc cung cấp dữ liệu cho người dân và doanh nghiệp với dạng dữ liệu mở – open data.
“Để việc cung cấp dữ liệu mở đạt được những mục tiêu trên, thành phố cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về cung cấp dữ liệu mở, cũng như tạo lập ra nhiều dữ liệu. Vấn đề cung cấp dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước vừa phải đảm bảo các quy định của ngành, bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời cung cấp các dữ liệu có giá trị sử dụng, dữ liệu được cập nhật để người sử dụng tạo ra được giá trị gia tăng từ nguồn dữ liệu này. Đây là một bài toán mà thành phố đang tiếp tục thực hiện để thực thi chính sách dữ liệu mở từ cơ quan quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số”, bà Võ Thị Trung Trinh chia sẻ.
TPHCM đặt ra những chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 để khai thác dữ liệu hiệu quả: 100% hệ thống thông tin quản lý về đất đai, cấp phép xây dựng, quy hoạch được hình thành thống nhất trên địa bàn thành phố; hoàn thành tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, dữ liệu về an sinh; dữ liệu về thành lập, tình hình hoạt động doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; dữ liệu về thu – chi ngân sách, giải ngân đầu tư công; 100% cơ sở dữ liệu được lưu trữ, quản lý tại Trung tâm Dữ liệu của thành phố, được đảm bảo an toàn thông tin theo quy định.