Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một trong những tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên ở nước ta được Chính phủ thí điểm thành lập.
Việc phát triển ngành than trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước; điều hành xuất, nhập khẩu hợp lý gắn với sản xuất, tiêu thụ trong nước và việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, đánh giá tài nguyên và trữ lượng than trong nước để chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho đầu tư phát triển bền vững ngành than. Phát triển ngành than bền vững, hiệu quả theo hướng đồng bộ, phù hợp với sự phát triển chung của các ngành kinh tế trong nước; đa dạng hóa phương thức đầu tư khai thác và kinh doanh than. Phát huy tối đa nội lực kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế để nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới hiện đại, đặc biệt là các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quản lý thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, vận chuyển và sử dụng than.
Thực hiện thương mại than theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hài hòa với thị trường than thế giới; từng bước chuyển đổi thị trường than theo hướng thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh và phù hợp thông lệ của thị trường quốc tế. Phát triển ngành than gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái, thúc đẩy sản xuất sạch hơn và kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và phù hợp cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; hài hòa với phát triển du lịch, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các khu vực bảo tồn văn hóa; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội; gắn với nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Đạc biệt tập trung thăm dò nâng cấp tài nguyên than hiện có; đẩy mạnh việc thăm dò các mỏ mới, đảm bảo công tác thăm dò luôn đi trước một bước. Phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác thăm dò đến đáy tầng than Bể than Đông Bắc, hoàn thành công tác thăm dò đến đáy tầng than Bể than An Châu nhằm xác minh và nâng cấp trữ lượng than đảm bảo đủ độ tin cậy theo quy định để huy động vào thiết kế khai thác. Đổi mới và áp dụng công nghệ thăm dò, khai thác than tiên tiến, đặc biệt đối với những khu vực nằm ở độ sâu lớn, điều kiện địa chất phức tạp. Nâng cao chất lượng công tác đánh giá trữ lượng và tài nguyên than. Tích cực tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư lựa chọn công nghệ, phương pháp thăm dò thích hợp để thăm dò Bể than sông Hồng trong giai đoạn đến năm 2030. Phấn đấu hoàn thành thăm dò một phần diện tích và điều tra, đánh giá xong tài nguyên Bể than sông Hồng trong giai đoạn 2031 -2045.
Tập trung phát triển, duy trì các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí “Mỏ xanh, Mỏ hiện đại, Mỏ sản lượng cao, Mỏ an toàn”. Phát triển sản lượng khai thác theo hướng bền vững; khai thác an toàn, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên than. Tăng cường cơ giới hóa, hiện đại hóa trong khai thác than; nâng cao hệ số thu hồi than sạch trong khai thác hầm lò. Đầu tư một số đề tài/đề án/dự án nghiên cứu khai thác thử nghiệm tại Bể than sông Hồng để lựa chọn công nghệ khai thác hợp lý, khuyến khích các địa phương có các điểm than trữ lượng nhỏ đầu tư khai thác để phục vụ nhu cầu tại chỗ; chú trọng công tác khai thác than bùn làm nhiên liệu và phân bón phục vụ nhu cầu của ngành nông, lâm nghiệp.
Đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư nước ngoài để thăm dò, khai thác than loại than Việt Nam phải nhập khẩu bảo đảm hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật. Phấn đấu sản lượng than thương phẩm khai thác không bao gồm than bùn giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 45 – 50 triệu tấn/năm và giảm dần trong giai đoạn 2031 – 2045 đạt khoảng 38 – 40 triệu tấn vào năm 2045. Phấn đấu đưa vào vận hành khai thác thử nghiệm tại Bể than sông Hồng trước năm 2040 để tiến tới khai thác quy mô công nghiệp trước năm 2050.
Phát triển công tác sàng tuyển và chế biến than theo hướng nâng cao tỷ lệ sàng tuyển và chế biến than tập trung trong toàn ngành; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng than phù hợp theo thị trường theo từng giai đoạn. Duy trì, cải tạo các nhà máy sàng tuyển, trung tâm chế biến than hiện có kết hợp việc duy trì hợp lý các cụm sàng mỏ; đầu tư xây dựng mới nhà máy sàng tuyển tập trung theo từng khu vực để đảm bảo yêu cầu chế biến than. Chế biến than sản xuất trong nước kết hợp với pha trộn than nhập khẩu theo hướng tối đa chủng loại than cho sản xuất điện; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm theo thị trường, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Thực hiện công tác sàng tuyển và chế biến than tại các mỏ địa phương phù hợp với nhu cầu tiêu thụ, công suất các dự án mỏ; xây dựng các cơ sở chế biến than bùn tập trung với công nghệ tiên tiến theo hướng ưu tiên chế biến ra các sản phẩm có chất lượng sử dụng cho ngành nông, lâm nghiệp và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hình thành thị trường than với nhiều người bán và nhiều người mua, đa dạng hóa nguồn than than sản xuất trong nước, pha trộn, nhập khẩu… và đầu mối cung cấp than cho các hộ tiêu thụ trong giai đoạn đến năm 2030; phấn đấu vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ tại các phân khúc thị trường than sau năm 2030. Hoàn thành việc nghiên cứu, thí điểm áp dụng chỉ số giá than quốc tế phù hợp cho tham chiếu giá than nhập khẩu phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xuất khẩu, nhập khẩu than phù hợp nhu cầu thị trường và thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng than trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện, trong đó có xem xét đến việc dự trữ than.
Phát triển ngành than trở thành ngành kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển bền vững, hài hòa, thân thiện với môi trường, cộng đồng và các ngành kinh tế khác; phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy; bảo vệ nước dưới đất; phòng, chống sụt, lún đất,… Nghiên cứu khai thác và sử dụng hiệu quả đất đá thải mỏ để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường ngành than gắn với mục tiêu giảm phát thải khí mà kính, hướng tới mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Xây dựng mới, hoàn thiện các công trình trên mặt bằng phù hợp nhu cầu sử dụng của từng dự án khai thác, sàng tuyển, chế biến than và bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan, môi trường, phòng chống thiên tai, hiệu quả sản xuất than, đáp ứng linh hoạt nhu cầu phát triển quỹ đất trong tương lai. Tổ chức hệ thống vận tải phù hợp năng lực sản xuất than từng khu vực với công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, hiệu quả kinh tế.
Cùng với cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các cảng nội địa tại các vùng sản xuất than phục vụ xuất, nhập và pha trộn than với công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, mở rộng cảng chuyên dùng hiện có của các hộ tiêu thụ để có thể trực tiếp nhập khẩu, trung chuyển than cho các tàu có trọng tải phù hợp khi chưa hình thành cảng tập trung tại các khu vực. Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng xuất, nhập khẩu than; triển khai nhanh việc xây dựng hệ thống cảng, kho dự trữ và trung chuyển than quy mô lớn theo khu vực với loại hình cảng hợp lý, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics đồng bộ, công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường để phục vụ xuất khẩu, nhập khẩu, pha trộn than đáp ứng nhu cầu sử dụng than trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện.
Phương Quang