(MPI) – Tham gia ý kiến tại Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, các đại biểu thống nhất cho rằng, những kết quả đạt được trong thời gian qua là minh chứng thể hiện sự nỗ lực và hành động quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo và cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: VGP |
Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban thường trực tham dự và phát biểu tại phiên họp.
Thời gian vừa qua, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam hiện đang tham gia vào các công đoạn như thiết kế, kiểm thử, đóng gói vi mạch, sản xuất thiết bị và nguyên liệu liên quan đến bán dẫn nhưng chưa có nhà máy sản xuất chip.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu những kết quả đạt được; những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua; những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới. Đồng thời nhấn mạnh, trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn nhờ vào nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh; Sự đầu tư và nâng cấp mạnh về Cơ sở hạ tầng; Cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở; Quyết tâm chính trị cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tin tưởng rằng, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục nỗ lực để nhanh chóng, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để góp phần đưa ngành công nghiệp bán dẫn trở thành động lực và đột phá mới, giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Tại phiên họp, các địa phương như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Đà Nẵng đã có bài trình bày tham luận, chia sẻ về kết quả triển khai các chính sách để phát triển ngành bán dẫn. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, nhân lực, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, những nỗ lực của các địa phương sẽ giúp Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông khẳng định, Vĩnh Phúc là địa phương có lợi thế và tiềm năng phát triển công nghệ bán dẫn như có vị trí địa lý thuận lợi tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện kết nối dễ dàng với các khu vực công nghiệp trọng điểm khác trong nước và quốc tế; hạ tầng logistics với cảng cạn ICD thuận tiện cho thông quan và xuất khẩu; hệ thống điện đảm bảo ổn định.
Cùng với đó, Vĩnh Phúc có địa chất ổn định, ít chịu ảnh hưởng từ bão lũ và thiên tai, giúp đảm bảo an toàn cho các cơ sở sản xuất công nghệ cao; có chất lượng giáo dục luôn đứng top đầu cả nước; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụ thể là các khu công nghiệp công nghệ cao, nơi tập trung các doanh nghiệp sản xuất và nghiên cứu các sản phẩm bán dẫn.
Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch quỹ đất khoảng 4.500 ha sẵn sàng cho các dự án công nghiệp công nghệ cao, bao gồm các khu công nghiệp chuyên biệt để phát triển ngành bán dẫn.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh, với tất cả các yếu tố trên, Vĩnh Phúc là địa phương rất có tiềm năng cho phát triển công nghiệp công nghệ cao với các dự án bán dẫn, chips, trí tuệ nhân tạo; Đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm cho học sinh, sinh viên và các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tham gia vào Đề án đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030.
Về cách làm của thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Thành phố đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế đặc thù cho Công viên Phần mềm số 2 nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận nhanh các chính sách của nhà nước, hỗ trợ, ươm tạo các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, đẩy mạnh quảng bá, mở rộng và phát triển thị trường công nghệ thông tin….
Về cơ chế, chính sách, HĐND thành phố Đà Nẵng cũng vừa ban hành nghị quyết quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2025-2030. Theo đó, Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ về chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú đối với chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhận tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ngoài việc thu hút chuyên gia, Nghị quyết cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI.
Thành phố đã thành lập liên minh đào tạo trên cơ sở các trường đại học trên địa bàn thành phố và một số cơ sở đào tạo trên cả nước; tổ chức các khóa đào tạo cho các giảng viên; hỗ trợ các doanh nghiệp và đang xúc tiến đầu tư vào nhiều tập đoàn lớn như NVIDIA, Qualcomm….
Thời gian tới, Thành phố sẽ đưa toàn bộ khu Công viên Phần mềm số 2 đi vào hoạt động; đầu tư 3 phòng lab phục vụ cho đào tạo, trong đó có 2 phòng phục vụ thiết kế vi mạch, 01 phòng phục vụ cho đào tạo AI. Tiếp tục ban hành chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Đà Nẵng, thực hiện thủ tục công nhận đối tác chiến lược cho một số doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: VGP |
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tiếp thu đầy đủ, hợp lý các ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo và các đại biểu, sớm hoàn thiện, ban hành Thông báo kết luận Phiên họp để thống nhất triển khai.
Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung, phân tích về bối cảnh, tình hình và yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; phát triển công nghiệp bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Đồng thời nhấn mạnh đến tiềm năng, lợi thế của Việt Nam cũng như về chủ trương, chính sách, những việc Việt Nam đã, đang thực hiện.
Thời gian tới, tiếp tục đột phá về các cơ chế chính sách như thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư; đề xuất cơ chế, chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân…
Về cơ sở hạ tầng, đã thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng như các Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Lạc, Đà Nẵng cùng nhiều khu công nghiệp tiêu chuẩn, là điểm đến tiềm năng trong quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất bán dẫn và thu hút nguồn vốn FDI của các tập đoàn công nghệ bán dẫn lớn trên thế giới như: Amkor, Samsung, Hana Micron, Foxconn, LAM Research, Coherent, Intel.
Việt Nam có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhà đầu tư tốt như Viettel, FPT, Phenikaa đang triển khai chiến lược phát triển, đẩy mạnh các dự án cụ thể trong lĩnh vực bán dẫn; bắt đầu có các startup tiềm năng về bán dẫn như Infrasen, VnChip, Hyphen Deux.
Về hợp tác quốc tế, đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam – Hoa Kỳ cũng như triển khai các chương trình hợp tác trong khuôn khổ Quỹ Đổi mới sáng tạo và an ninh công nghệ (ITSI) về phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam đã chủ động tổ chức, kết nối đầu tư, kinh doanh thông qua đa dạng các hoạt động như Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam; mời gọi, đón tiếp các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như NVIDIA, Samsung, Qualcomm, LAM Research, Marvell, Qorvo sang để tìm hiểu môi trường đầu tư, hướng tới mở rộng sản xuất, kinh doanh và xây dựng cứ điểm tại Việt Nam.
Việt Nam đang tăng cường hợp tác quốc tế, thiết lập các khuôn khổ hợp tác bán dẫn với các đối tác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến các khó khăn, thách thức và đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các công việc được giao, đặc biệt là triển khai “Chương trình Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” và “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030”.
Thủ tướng nhấn mạnh “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Có bước đi, lộ trình, định hướng cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; phát huy trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào dứt việc đó.
Cùng với đó, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cấp dưới, gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; quá trình thực hiện phải kiểm tra, đôn đốc, nhân rộng mô hình tốt, kiểm điểm những nơi làm chưa tốt. Tăng cường truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội về phát triển công nghiệp bán dẫn.
Về các nhiệm vụ chung, trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ, phải nâng cao nhận thức với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây; tiếp tục hoàn thiện thể chế thông thoáng, có ưu tiên cho các ngành lựa chọn; phát triển hạ tầng đồng bộ, thông suốt, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng đổi mới sáng tạo, hạ tầng điện… để giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh; có cơ chế, chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống quản trị, quản lý thông minh; thúc đẩy sớm ra đời Quỹ Hỗ trợ đầu tư; đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ; tiếp tục thúc đẩy ngoại giao bán dẫn, có chính sách visa thuận lợi, phù hợp; nhanh chóng phát triển các trung tâm thiết kế, kiểm thử, đóng gói chip; tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn lớn; phát triển lĩnh vực này trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về vị trí địa lý, con người, ổn định chính trị, phát triển hài hòa và cân bằng trong quan hệ với các nước lớn.
Coi phát triển nguồn nhân lực, thể chế và hạ tầng cho công nghiệp bán dẫn là chiến lược toàn diện; phải triển khai, đầu tư cho xứng tầm đột phá chiến lược. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rào cản về quy trình, thủ tục hành chính đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bán dẫn.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác công tư, hợp tác trong nước, quốc tế, khơi thông, tận dụng mọi nguồn lực cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sớm hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trên thế giới và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
Thủ tướng khẳng định, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là nhu cầu, đòi hỏi tất yếu, là đột phá chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta trong thời gian tới; là việc cần làm, phải làm và quyết tâm làm bằng được. Do đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế; quyết tâm phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, bài bản, khoa học, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc nấy, có sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.
Có như vậy, chúng ta mới có thể hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-12-15/Phat-trien-nganh-cong-nghiep-ban-dan1ylr4p.aspx