Mục tiêu lớn
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 (Chiến lược tăng trưởng xanh). Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
Đồng thời Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia Nhóm các tác đối Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Để cụ thể hoá các chiến lược và cam kết nói trên, ngày 15/5/2023, Thủ tướng ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 – 71,5%.
Hôm qua (8/8), tại Hội thảo về chủ đề thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, GS.TS Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thực tế cho thấy, cơ quan nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về phát triển năng lượng sạch, bền vững. Đặc biệt, việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII với mục tiêu giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, tăng sử dụng năng lượng tái tạo, hydrogen là cơ sở quan trọng để phát triển năng lượng xanh.
Tuy nhiên, GS. Lê Anh Tuấn cho rằng, các mốc thời gian để thực hiện các mục tiêu về năng lượng xanh là một thách thức. Ông phân tích, chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030 sẽ sản xuất được khoảng 100 – 500 nghìn tấn hydrogen, đến năm 2050 sản xuất được 10 – 20 triệu tấn hydrogen, đáp ứng được khoảng 10% tổng năng lượng tiêu thụ cuối cùng. Đây là mục tiêu rất khó khăn. “20 năm trước, khi tôi nghiên cứu sinh ở châu Âu, một số nước họ đã thí điểm hydrogen. Đến nay, họ vẫn thí điểm mà chưa thể nâng cao công suất”, GS Lê Anh Tuấn nói.
Giải thích về việc khó phát triển năng lượng hydrogen, GS Lê Anh Tuấn cho rằng, “Công nghệ sản xuất hydrogen có thể không khó, không tốn, nhưng việc tồn chứa, vận chuyển lại là chuyện khác. Chi phí để tồn chứa, vận chuyển cao gấp 4 lần chi phí sản xuất”, GS Tuấn nói và cho rằng, mục tiêu về hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của nước ta thật sự thách thức.
Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, để bảo đảm đến năm 2050, nước ta Net zero thì ngoài việc phải phát triển điện gió, điện khí LNG, điện mặt trời, điện sinh khối… thì buộc phải phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, Quy hoạch điện VIII hiện nay chưa đề cập rõ nội dung này.
Còn thiếu nhiều cơ chế
Theo TS Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, việc xây dựng các nhà máy điện đang diễn ra khá chậm vì thiếu cơ chế. Cụ thể, theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất các dự án điện khí đến năm 2030 là 30.424MW với 23 dự án, trong đó dự án sử dụng khí khai thác trong nước là 10 nhà máy, dự án sử dụng khí LNG là 13 nhà máy.
Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1 xây dựng xong và dự án LNG Nhơn Trạch 3 và 4 đang xây dựng đạt khoảng 85%. Ngoài ra, có đến 18 dự án vẫn đang trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, trong đó có 9 dự án LNG. “Ngay cả dự án LNG Mỹ Sơn khả thi như vậy vẫn đang phải trình lên trình xuống chưa được duyệt”, ông Thập nói.
Với điện gió ngoài khơi, mới chỉ có một dự án được cấp phép khảo sát, nghiên cứu. “Việc xây dựng các nhà máy điện theo quy hoạch đang diễn ra chậm do nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu do thiếu cơ chế, thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện”, TS Nguyễn Quốc Thập nhận định.
Vị này cho rằng, đang có nhiều thách thức, khó khăn trong việc triển khai Quy hoạch điện VIII do vướng trình tự thủ tục, cơ chế tài chính, thu xếp vốn, cơ chế bảo lãnh của Chính phủ, khung pháp lý… “Riêng với điện khí LNG, điện gió ngoài khơi đang vướng rất nhiều, từ khung pháp lý đến cơ sở hạ tầng, cơ chế bao tiêu, giá bán…”, ông Thập chia sẻ.
Do đó, vị này cho rằng, cần phải sửa đổi nhiều luật, trong đó có Luật Điện lực, luật Thuế, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… Ngoài ra, cần sửa đổi điều lệ tổ chức, hoạt động và quy chế tài chính của một số tập đoàn kinh tế nhà nước như PVN, TKV, EVN để những đơn vị này có thể chủ động thu xếp vốn, đại diện Chính phủ bảo lãnh cho nhà đầu tư ngoại.
TS Nguyễn Quốc Thập cũng cho rằng Chính phủ nên báo cáo Ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết chuyên đề bao gồm các điều kiện cần thiết cho phép triển khai song song với quá trình hoàn thiện các Bộ luật theo tinh thần của Nghị quyết chuyên đề đó. “Đây là điều cần và đủ để quá trình thực hiện các mục tiêu quy hoạch quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện khí LNG và điện gió ngoài khơi”, TS Thập nhận định.
Đồng quan điểm này, TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, với một đất nước đang phát triển như nước ta, việc chờ hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật rồi mới thực hiện sẽ lâu và muộn, mất cơ hội. “Trong phát triển năng lượng, nên có cơ chế vừa làm vừa hoàn thiện chính sách, pháp luật”, ông Thành nói.
Nguồn: https://baophapluat.vn/phat-trien-nang-luong-xanh-nhung-thach-thuc-lon-dang-dat-ra-post521263.html