Trong những mục tiêu của quy hoạch này đáng chú ý là hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên NLTT, năng lượng mới.
Quy hoạch cũng chỉ rõ phương án phát triển dựa trên nguồn điện từ NLTT (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của NLTT trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất. Trong đó, ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu ưu tiên tối đa khí trong nước cho phát điện.
Cơ cấu nguồn điện tại quy hoạch cho thấy, tỷ trọng nguồn điện khí tăng từ 10,2% (7,08 GW) năm 2020 lên 21,8% (32 GW) năm 2030. Đây là sự chuyển dịch sang nhiên liệu ít phát thải khí nhà kính hơn, đồng thời linh hoạt hỗ trợ tốt hơn cho nguồn NLTT. Điện sản xuất từ nguồn điện khí tăng tỷ trọng, năm 2020 từ 12,5% lên tới 25,5% vào năm 2030.
Các nguồn điện NLTT (bao gồm thủy điện, điện mặt trời, gió, sinh khối) tăng từ 38,2 GW năm 2020 lên đến 73,78 GW năm 2030, nhất là các nguồn điện gió, mặt trời, sinh khối… tăng từ 17,4 GW năm 2020 lên đến hơn 44,4 GW năm 2030; tỷ trọng tổng các nguồn NLTT trong cơ cấu công suất chiếm tới 50,3% vào năm 2030, mặc dù tỷ trọng thủy điện giảm mạnh do tiềm năng còn ít (từ 30% giảm còn 20%). Điện sản xuất từ nguồn điện NLTT chiếm 36% vào năm 2030.
Đến năm 2050, trong khi không còn sử dụng than cho sản xuất điện thì tổng công suất các nguồn NLTT (gồm cả thủy điện) lên tới gần 400 GW, chiếm 69,8% tổng công suất nguồn điện, thể hiện tỷ trọng nguồn điện được duy trì và phát triển nguồn này rất cao.
Tại Thừa Thiên Huế, dư địa và tiềm năng phát triển các dự án thủy điện, điện mặt trời được các cơ quan chuyên môn đánh giá cao.
Trong chiến lược phát triển năng lượng của tỉnh, quan điểm phát triển cũng từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn điện dựa trên các nguồn NLTT mà Thừa Thiên Huế có tiềm năng, đặc biệt, các nguồn sinh khối, năng lượng mặt trời, điện gió, điện khí… được coi là một trong những giải pháp phát triển bền vững. Tỉnh cũng ưu tiên xây dựng các chính sách ưu đãi trong phát triển năng lượng tái tạo; khảo sát, đánh giá tiềm năng (điện mặt trời, mặt nước, điện gió…) từ đó có cơ sở để đầu tư, bổ sung vào nguồn năng lượng quốc gia.
Hiện, toàn tỉnh có 13 nhà máy thủy điện, tổng công suất 459,3 MW; 2 dự án điện năng lượng mặt trời, tổng công suất 77 MW và hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất 61 MWp đã phát điện với tổng sản lượng 1.705 triệu kWh (năm 2021).
Dự kiến đến năm 2025 sẽ đưa vào vận hành thêm 2 nhà máy với tổng công suất 20 MW (1 dự án đốt rác sinh hoạt phát điện tại xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, công suất 12MW; hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải tại Nhà máy xi măng Đồng Lâm, công suất 8 MW), dự kiến tổng lượng điện sản xuất năm 2025 đạt 2.023 triệu kWh, tổng điện thương phẩm năm 2025 là 2.780 triệu kWh; cân đối sản xuất/nhu cầu đạt 73%, phần còn thiếu khoảng 27% được cấp từ lưới điện quốc gia.
Với hiện trạng các nguồn điện và hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh như thế sẽ đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phát triển nguồn NLTT cho sản xuất điện đang vấp phải nhiều khó khăn, thách thức, điển hình như các dự án điện mặt trời thường có đặc thù phụ thuộc vào thời tiết, môi trường (nguồn năng lượng mặt trời không phát điện vào ban đêm,…) nên hoạt động phát điện không liên tục và không ổn định; cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời không ổn định, thời gian hưởng giá cố định được quy định cụ thể…
Kết quả của chuyên đề Giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” trên địa bàn tỉnh của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vào tháng 3/2023 cho thấy, nhiều hạn chế về chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng kiến nghị nhiều vấn đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Trong đó, đáng chú ý lưu tâm đến Quy hoạch điện VIII.
Trở lại với Quy hoạch điện VIII, tại nội dung nhiệt điện khí trong nước, quy hoạch đã bổ sung các nhà máy điện hạ nguồn, định hướng tại khu vực Chân Mây; danh mục các dự án điện mặt trời được xem xét sau năm 2030, được triển khai trong thời kỳ quy hoạch nếu thực hiện theo hình thức tự sản, tự tiêu, dự án tại Phong Hòa (huyện Phong Điền) với công suất 40MW cũng có tên. Ngoài ra, quy hoạch cũng định hướng cải tạo, xây mới các trạm biến áp tại Hương Thủy, TP. Huế và khu vực Chân Mây.
Nội dung tại Quy hoạch điện VIII cũng có các giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch như: Đề xuất sửa đổi Luật Điện lực theo hướng linh hoạt hơn đối với yêu cầu đầu tư các công trình điện, bảo đảm thu hút mọi nguồn lực xã hội trong phát triển ngành điện; đề xuất cơ chế xây dựng kế hoạch phát triển điện lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; đề xuất cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện; đề xuất cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải…
Đây là những cơ sở quan trọng tác động trực tiếp đến định hướng, kế hoạch phát triển năng lượng và thu hút đầu tư trên lĩnh vực này của tỉnh trong thời gian đến.