Từ cuộc cách mạng thanh toán kỹ thuật số
Thực tế theo các đánh giá của các tổ chức tài chính thế giới và mới đây nhất là đánh giá của trang www.finextra.com, hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam đang biến chuyển mạnh nhờ người dân am hiểu về công nghệ, các sáng kiến của chính phủ và các giải pháp tài chính sáng tạo.
Trong đó, sự trỗi dậy của ví điện tử được coi là một trong những xu hướng quan trọng nhất trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam. Những nền tảng ví điện tử hàng đầu như MoMo, Viettel Money đã trở nên phổ biến. Những ví điện tử này cung cấp nhiều loại hình dịch vụ, từ thanh toán hóa đơn và nạp tiền điện thoại di động đến mua sắm trực tuyến và thậm chí cả dịch vụ gọi xe. Người tiêu dùng bị hấp dẫn trước sự tiện lợi và bảo mật của những ví này vì có thể truy cập dễ dàng thông qua các ứng dụng di động. Nhờ đó, giao dịch ví điện tử tăng mạnh, theo đó giảm giao dịch tiền mặt.
Thanh toán bằng mã QR cũng ngày càng trở nên phổ biến, được sử dụng rộng rãi trong các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ và thậm chí cả những người bán hàng rong.
Đáng chú ý, www.finextra.com nhìn nhận, Chính phủ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số. Các sáng kiến như Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) trở thành công cụ tiêu chuẩn hóa hệ thống thanh toán và tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tương tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán.
Trang www.finextra.com cho rằng, cuộc cách mạng thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam được đánh dấu bằng sự chuyển dịch từ giao dịch tiền mặt sang các phương thức thanh toán kỹ thuật số thuận tiện, an toàn và hiệu quả. Ví điện tử, thanh toán bằng mã QR, thẻ không tiếp xúc và các giải pháp fintech sáng tạo đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại lĩnh vực thanh toán của Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Chính phủ và dân số am hiểu công nghệ, Việt Nam ở vị thế tốt để tiếp tục hành trình hướng tới một xã hội không tiền mặt, mở ra những cơ hội mới cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Điểm đến đáng sống của người nước ngoài
Bên cạnh việc cải thiện vị thế trong lĩnh vực tài chính, báo cáo nghiên cứu năm 2024 của InterNations (Đức) cũng đánh giá Việt Nam đứng đầu trong số 53 nước và vùng lãnh thổ nhờ các yếu tố là chi phí đời sống thấp, ổn định tài chính và chất lượng cuộc sống về tổng thể, những điều này làm cho Việt Nam hấp dẫn đối với những người muốn rời khỏi nước họ sang nơi khác sinh sống.
Báo cáo cho thấy, trong số những người nước ngoài được khảo sát đang sống tại Việt Nam, 86% đánh giá cao chi phí sinh hoạt ở đây và 65% số người được hỏi tại Việt Nam cho biết, họ hài lòng với tình hình tài chính của mình so với 54% trên toàn cầu.
Trong khi đó Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế – IBP trong Khảo sát ngân sách mở năm 2023 (OBS 2023) nhìn nhận, xếp hạng minh bạch ngân sách của Việt Nam ở mức 57/125 quốc gia, tăng 11 bậc so với kỳ đánh giá năm 2021 và tăng 20 bậc so với năm 2019. Kết quả xếp hạng OBS 2023 cho thấy quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường công khai minh bạch ngân sách.
Đáng chú ý, trong kết quả OBS 2023 của Việt Nam có 03 tài liệu đạt điểm số ở ngưỡng cao, gồm: Báo cáo ngân sách dành cho công dân đạt tối đa 100/100 điểm; dự toán ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội quyết định đạt 83/100 điểm; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước trong năm đạt 78/100 điểm.
Một báo cáo quan trọng khác là Công ty tình báo tài sản toàn cầu New World Wealth và hãng cố vấn di cư đầu tư Henley & Partners đánh giá, Việt Nam dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng số lượng triệu phú trong giai đoạn 2013 – 2023, với mức tăng ấn tượng 98%. Đến cuối năm 2023, Việt Nam đã có 19.400 triệu phú, con số đáng chú ý đối với một quốc gia đang phát triển.
Sự gia tăng này diễn ra song song với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước. GDP của Việt Nam đã tăng trưởng kỷ lục 8,02% trong năm 2022 – cao nhất trong hơn một thập kỷ. Đồng thời, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần 2,2 lần, từ 1.960USD năm 2013 lên 4.284USD năm 2023.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/phat-trien-manh-me-viet-nam-thang-hang-tren-ban-do-the-gioi-1380258.ldo