Vùng đồng bằng sông Hồng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội nói chung ở Việt Nam. Là nơi có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, có cửa ngõ thông thương lớn và quan trọng, là vùng có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa với các khu vực lân cận và thế giới.
Với mức đô thị phát triển nhanh, tỷ lệ đô thị hóa trên 41%. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt thành tựu nổi bật, 99,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, kinh tế biển phát triển khá, đặc biệt thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển mạnh mẽ, đi đầu trong thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tập trung đầu tư và phát triển khá đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, phát huy tốt vai trò của các hành lang, vành đai kinh tế. Quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường được chú trọng; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Văn hóa – xã hội được quan tâm phát triển; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy; quy mô, chất lượng giáo dục – đào tạo, y tế được nâng lên rõ rệt, dẫn đầu cả nước.
Với việc phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử, nhất là văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Phát triển hệ thống y tế, giáo dục – đào tạo chất lượng cao, hiện đại, tương đương với các quốc gia phát triển trong khu vực. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; đẩy mạnh phân công, phối hợp và phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Hướng đến năm 2030 Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Đặc biệt phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, sinh thái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh. Phát huy lợi thế nông nghiệp nhiệt đới, sản xuất sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đa dạng theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Tập trung phát triển các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn, chất lượng cao như lúa, rau, hoa, quả đặc sản, cây cảnh; phát triển mạnh chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm chủ lực như lợn, bò, gia cầm; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu. Thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp; hình thành các cụm liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã. Nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa. Bảo vệ, giữ gìn môi trường, không gian cảnh quan, gắn phát triển các làng nghề truyền thống với phát triển du lịch.
Phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á; trong đó Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế; thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại. Tập trung phát triển dịch vụ tài chính – ngân hàng hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế và đa dạng loại hình dịch vụ, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính, tiền tệ, bảo đảm minh bạch, bền vững, hội nhập, an toàn hệ thống. Chuyển đổi số toàn diện hệ thống ngân hàng, phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích. Đầu tư phát triển hệ thống logistics, chợ đầu mối hiện đại, thông minh, bền vững; đẩy mạnh thương mại điện tử; hình thành các sàn giao dịch hàng hóa và các cụm, khu vực hội chợ triển lãm. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chủ động các biện pháp phòng vệ phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế, bảo đảm cân bằng cán cân xuất nhập khẩu.
Với việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sản phẩm đa dạng, độc đáo, gắn với phát huy giá trị của nền văn minh Sông Hồng; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch; tiếp tục đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia trong vùng, phấn đấu đến năm 2030 thu hút trên 120 triệu lượt khách, tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới.
Vương Tú