Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế – xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới.
Vượt khó để phát triển
Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, kinh tế tư nhân đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.156 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 59,23% so cùng kỳ năm 2021. Trong các năm do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký và số lượng đăng ký thay đổi giảm so với những năm trước, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cũng tăng. Tuy nhiên, tín hiệu khả quan là số lượng doanh nghiệp giải thể giảm, đồng nghĩa với việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phát huy hiệu quả, cùng với sự nỗ lực của mình đã giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thích ứng với điều kiện mới tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp trên lĩnh vực ngành tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy vậy, một bộ phận doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn, thách thức. Theo đó, doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu hải sản hoạt động khá tốt, doanh nghiệp ngành may mặc, giày dép, gỗ, cơ khí, hạt điều, giấy dính cao cấp… hoạt động tương đối ổn định, các doanh nghiệp về thương mại, dịch vụ duy trì hoạt động thường xuyên. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đội ngũ doanh nhân trên lĩnh vực ngành luôn cố gắng, nỗ lực duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người lao động, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật, tích cực thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng tại địa phương.
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Bằng những giải pháp thiết thực để tháo gỡ những rào cản mà kinh tế tư nhân đang gặp khó, nhất là chính sách tín dụng, chính sách đất đai và đào tạo nguồn nhân lực. Tỉnh Bình Thuận đã đề ra những giải pháp cụ thể như về tín dụng nên hỗ trợ doanh nghiệp được vay dài hạn hơn, tiếp cận tín dụng dễ hơn và lãi suất phù hợp để có kế hoạch đầu tư lâu dài. Về đất đai, tỉnh đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận mặt bằng trên cơ sở có quy hoạch ổn định, rõ ràng. Đẩy nhanh tiến độ khuyến khích, nâng cấp hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp. Tỉnh còn có cơ chế hỗ trợ để các hộ kinh doanh tự nguyện chuyển lên doanh nghiệp như đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể giúp họ đào tạo, quản lý doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở từng địa phương. Đặc biệt, tỉnh còn giải quyết một số điểm nghẽn như các vấn đề về kết cấu hạ tầng, đất đai, phát triển nguồn nhân lực, hợp đồng sản xuất… thông qua những thay đổi chính sách để thu hút được nhiều đầu tư hơn từ khu vực tư nhân vào khu vực nông nghiệp và nông thôn. Nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đạt mục tiêu chung của tỉnh, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, củng cố và khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu truyền thống hiện có nhằm giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời từng bước tiếp cận, khai thác các thị trường xuất khẩu tiềm năng và thị trường mới.
Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10, ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng… Bên cạnh đó các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngân hàng trong triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc có liên quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất. Đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trọng tâm là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị….