Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về tên gọi của dự án luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, giữ nguyên tên gọi của dự án luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi); đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản của dự án luật và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự án luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án luật.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, tên gọi hợp tác xã đã gắn liền với lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam; việc giữ lại tên này cũng bảo đảm tính bao quát đối với các loại hình kinh tế tập thể, nếu sửa tên thì việc sửa đổi, đối chiếu với các luật khác cũng rất khó khăn.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đánh giá cao các cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã giải trình đầy đủ, làm rõ nhiều vấn đề trong thực tiễn, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đánh giá, đến nay, những vấn đề cơ bản nhất của dự án luật đã có thể trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các chính sách hỗ trợ hợp tác xã đang quy định từ Điều 17 đến Điều 28 dự thảo luật phải có dự thảo Nghị định hướng dẫn của Chính phủ kèm theo thì Quốc hội mới có cơ sở để xem xét thông qua. So với luật cũ, dự thảo luật đã có nhiều tiến bộ nhưng một số quy định vẫn còn dừng lại ở mức chủ trương. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần rà soát, chắt lọc một số nội dung lớn trong dự thảo nghị định để luật hóa, đưa vào dự án luật thì mới có tính khả thi.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã. Bởi đây là nội dung vướng song dự thảo luật chưa được đề cập đến. Trong khi thực tế thế giới và Việt Nam không chuyển đổi hợp tác xã nhưng thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã hiện đã có và nhu cầu khá lớn.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hiện nay qua tổng kết hợp tác xã cho thấy nguyện vọng thiết tha của những người quản lý, cán bộ của hợp tác xã và những nhân viên của hợp tác xã mong muốn khi nghỉ hưu được hưởng lương hưu. Đây cũng là nội dung chính trong Nghị quyết về Bảo hiểm xã hội đa tầng của Việt Nam.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau Kỳ họp thứ 4, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu, khảo sát để hoàn thiện theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiếp thu đầy đủ tất cả những ý kiến, đến nay cơ bản đã đạt được đồng thuận và thống nhất rất cao.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan liên quan, rà soát để tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện nội dung dự án luật, xin ý kiến Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến một số Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan, đồng thời chủ trì cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia để bảo đảm chất lượng của dự án luật.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách, ngoài ý kiến toàn diện về dự thảo luật cần nêu rõ các nội dung lớn, quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần xin ý kiến, nêu rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo về các nội dung này; hoàn thiện báo cáo giải trình, hồ sơ dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.
NGUYỄN THẢO