Đồng Tháp là một tỉnh thuần nông nên có thể nói kinh tế số, đặc biệt là kinh tế số ICT không phải là lợi thế. Nhận thức được điều này, hai năm gần đây khẩu hiệu hành động của tỉnh đều tập trung vào CĐS: năm 2023: “Kinh tế xanh sen hồng bứt phá – Chuyển đổi số Đồng Tháp tiên phong”; năm 2024: “Chính quyền kiến tạo, công dân số; Kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”.
Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển kinh tế, xã hội (ảnh minh họa nguồn Báo Văn hóa)
Về mục tiêu phát triển kinh tế số với việc sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin – viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế. Kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung, cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực. Theo đó hướng đến năm 2025 Đồng Pháp đưa ra tỷ trọng kinh tế số đạt 5% GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.
Trao bằng khen về phát triển kinh tế số trong chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp (ảnh minh họa nguồn Báo Đồng Tháp)
Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 1% và trên 55% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, 60% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến, 100% sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử, trên 60% nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung – cầu thông qua mạng Internet, mua bán trực tuyến, 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử, phấn đấu 50% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên địa bàn tỉnh có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến, 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền hình trả tiền triển khai thu cước, phí theo hình thức không dùng tiền mặt.
Đối với phát triển xã hội số gồm tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống, người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.
Kết nối số và văn hóa số. Công dân số được đặc trưng bởi danh tính số, phương tiện số, kỹ năng số và tài khoản số. Kết nối số được đặc trưng bởi khả năng kết nối mạng của người dân, bao gồm tỷ lệ dân được phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng và tỷ lệ người dùng Internet. Văn hóa số được đặc trưng bởi mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mức độ sử dụng dịch vụ số trên mạng, mức độ sử dụng các dịch vụ y tế số, giáo dục số của người dân với mục tiêu đến năm 2025 trên 80% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%, 70% dân số có kiến thức số, kỹ năng số cơ bản, tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 70%, 90% dân số có hồ sơ sức khoẻ điện tử, 100% dân số có danh tính số kèm theo QR code và 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
Đặc biệt là thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng khóm, ấp với các tổ viên là cán bộ kiêm nhiệm và các thành viên tại chỗ năng nổ, nhiệt tình, được đào tạo về kỹ năng số để phổ biến hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số và các nền tảng số, hình thành mạng lưới triển khai công nghệ rộng khắp trên toàn tỉnh. Tăng cường hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nền tảng số trong việc nghiên cứu, phát triển các nền tảng số chất lượng cao; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kỹ năng số cho người dân thông qua việc sử dụng nền tảng số.
Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bản sao số, chuỗi khối, thực tế ảo/thực tế tăng cường, dữ liệu lớn, kết hợp với các công nghệ mở, mã nguồn mở để phát triển các nền tảng số phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số. Xây dựng các doanh nghiệp chuyển đổi số điển hình, các mô hình mẫu, ứng dụng mẫu chuyển đổi số phù hợp đặc trưng của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, sau đó nhân rộng nhanh đến các địa phương, đơn vị có quy mô, tính chất tương tự, cùng với tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, đo lường, giám sát triển khai.
Kim Oanh