Các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về tiêu thụ các sản phẩm của Tây Ninh với Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op). Ảnh: Thanh Nhi
6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP – theo giá so sánh 2010) ước thực hiện gần 26.900 tỷ đồng, tăng 4,07% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn so với kế hoạch, khiến mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 (đạt từ 8% trở lên) khó khả thi, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tập trung, nỗ lực triển khai các giải pháp trong những tháng cuối năm nhằm đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong khả năng.
Tác động lớn từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của tỉnh đó là sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, thách thức trong những tháng đầu năm 2023. Giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng chậm lại.
Trong lĩnh vực công nghiệp, 6 tháng đầu năm 2023 đạt mức tăng 4,3% so với cùng kỳ, song vẫn thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước 3,9 điểm %. Công nghiệp đối diện nhiều khó khăn khi sụt giảm đơn hàng do nhu cầu giảm từ các thị trường chủ lực (Mỹ, EU, Trung Quốc…). Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm so cùng kỳ như giày dép, quần áo, điện thương phẩm, điện sản xuất, vỏ ruột xe các loại, xi măng, gạch, bột mì.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt 5,25 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ, tương đương giảm gần 1 tỷ USD- thấp hơn cả thời điểm dịch Covid-19 bùng phát năm 2021. Đáng chú ý, các nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực đều giảm sâu so với cùng kỳ như: giày dép (giảm 29,3%), vải (giảm 23,5%), phương tiện vận tải và phụ tùng (giảm 16,1%), máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng (giảm 9,7%), hàng dệt may (giảm 8,4%)…
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19 lại tiếp tục bị tác động lớn từ tình hình thế giới và khu vực. Tình trạng thiếu đơn hàng, giá nguyên liệu đầu vào tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Trảng Bàng
Vẫn có nhiều điểm sáng
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện các chỉ tiêu KT-XH, có 2 chỉ tiêu đạt trên 50%, các chỉ tiêu còn lại đạt xấp xỉ 50% so kế hoạch.
Kinh tế tiếp tục có sự phục hồi và tăng trưởng từ đầu năm, tốt dần lên trong quý II, góp phần kéo theo tốc độ tăng trưởng 4,07% – xếp thứ 2 so với các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ. Nổi bật là xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tuy đạt thấp so cùng kỳ nhưng nằm trong tốp khá cả nước.
Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, du lịch đã bứt phá tăng trưởng mạnh từ năm 2022 và duy trì rất tốt trong 6 tháng đầu năm 2023 với 3,5 triệu lượt khách, đạt 70% kế hoạch, tăng 14% so cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 1.450 tỷ đồng, đạt 80,6% kế hoạch, tăng 71,5% so với cùng kỳ.
Tây Ninh trở thành một trong những điểm đến nổi bật trong cả nước, chất lượng phục vụ du lịch ngày càng được nâng cao. Tỉnh đăng cai nhiều sự kiện thể thao cấp quốc gia, khu vực, tạo sân chơi và thúc đẩy phong trào thể dục thể thao của tỉnh, giới thiệu hình ảnh của tỉnh đến với người dân trong và ngoài nước. Sự phát triển của du lịch đã tạo động lực lan toả cho sự phát triển của các ngành sản xuất, kinh doanh khác.
Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt trên 515 triệu USD, đạt 68,7% kế hoạch, tăng 130% so với cùng kỳ. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 355 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 9.511 triệu USD; vốn thực hiện luỹ kế đạt khoảng 50% tổng vốn đăng ký.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, sau 5 năm thực hiện đề án cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành này đã có nhiều tín hiệu phát triển tốt.
Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang được tích cực thực hiện đúng theo định hướng đề ra với trên 40.890 ha cây trồng đã chuyển đổi. Phát triển trang trại chăn nuôi tập trung; liên kết sản xuất – tiêu thụ được quan tâm và hình thành trên các nông sản chính của tỉnh, nhất là trên các sản phẩm chăn nuôi.
Tỉnh tổ chức thành công Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 với sự tham gia hơn 500 doanh nghiệp đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và hội nghị ký kết cung ứng sản phẩm giữa các doanh nghiệp Tây Ninh và Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op).
Mới đây nhất, Liên doanh De Heus – Tập đoàn Hùng Nhơn (DHN) tổ chức lễ khởi công dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh tại ấp Hội Thành, xã Tân Hội, huyện Tân Châu quy mô gần 40 ha, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.
Đây là một trong những dự án thành phần của chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus cam kết đầu tư vào Tây Ninh với tổng vốn đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng.
Thi công đường 787 trên địa bàn thị xã Trảng Bàng
Phát huy tối đa các nguồn lực, động lực tăng trưởng
Phân tích tình hình phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm nay, lãnh đạo UBND tỉnh nhận định khả năng đạt mức tăng trưởng GRDP năm 2023 từ 8% trở lên là khó. Trên cơ sở đánh giá các nguồn lực có khả năng đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách biện pháp điều hành của Chính phủ, nhất là triển khai các giải pháp khôi phục KT-XH trong điều kiện có nhiều yếu tố không thuận lợi, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 7% đến 7,5%. UBND tỉnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư lấp đầy các khu công nghiệp; triển khai các dự án thương mại, dịch vụ, đô thị.
Quán triệt tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả các chính sách, giải pháp đã ban hành để thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, giữ vững ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; khắc phục hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Thành lập và tổ chức hoạt động hiệu quả Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Rà soát, xây dựng, ban hành các quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyên ngành để kịp thời triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngay sau khi được phê duyệt), trong đó tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng – nhất là giao thông, đất đai, xây dựng – đô thị.
Song song đó, triển khai có hiệu quả các hợp tác đã ký kết; lựa chọn một số dự án trọng điểm để triển khai, sớm hiện thực hoá quy hoạch vùng; tập trung giải ngân vốn đầu tư công, nhất là giải ngân vốn chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đến cuối năm đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao.
Hải Đăng