PV: Xin ông cho biết tình hình khai thác nguồn lợi thủy sản từ biển của địa phương?
Ông Nguyễn Đình Đức: Toàn tỉnh hiện có 678 tàu cá đăng ký trên hệ thống dữ liệu quốc gia, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 m trở lên là 431 chiếc và đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có 14 chiếc từ 24 m trở lên; tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản đạt 99,4%. Số lượng thuyền nan truyền thống công suất nhỏ hoạt động khai thác hải sản bãi ngang ven bờ khoảng 1.400 chiếc. Ngư trường khai thác hải sản của ngư dân Thừa Thiên Huế hoạt động chủ yếu từ vĩ tuyến 140 Bắc lên đến vịnh Bắc Bộ và ranh giới ngoài của vùng biển Việt Nam. Nghề biển đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hơn 10.000 hộ gia đình với hơn 21.000 lao động, trong đó lao động khai thác hải sản xa bờ khoảng 5.000 người.
Trên địa bàn tỉnh có 2 cảng cá đang vận hành khai thác là Cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) và Cảng cá Tư Hiền (huyện Phú Lộc), có 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là Khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải (xã Phú Hải, huyện Phú Vang), đáp ứng khoảng 200 tàu cá xa bờ và Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá tại xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc), đáp ứng cho khoảng 420 tàu có công suất từ 35-200 CV.
Năm 2022, sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 60.215 tấn, tăng 2,62% so với năm 2021, riêng khai thác biển đạt 37.000 tấn. Năm 2022, ngư dân Thừa Thiên Huế mua về 23 tàu xa bờ từ các tỉnh bạn. Đến nay, tàu cá Thừa Thiên Huế chưa từng vi phạm đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài. Trong năm vừa qua, tại vùng biển Thừa Thiên Huế quản lý, các lực lượng thực thi pháp luật đã tổ chức hơn 50 đợt tuần tra, kiểm tra tàu cá để tuyên truyền, phòng chống và ngăn chặn các tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Xử lý 21 trường hợp vi phạm hành chính thủy sản khác, xử phạt với tổng kinh phí 315 triệu đồng.
PV: Vậy khó khăn, vướng mắc đã và đang tồn tại trong phát triển kinh tế biển của tỉnh là gì?
Ông Nguyễn Đình Đức: Thời gian qua, dù đạt nhiều thành quả nhất định trong phát triển kinh tế biển, tuy nhiên địa phương vẫn còn nhiều khó khăn đang gặp phải. Trình độ, hiểu biết của chủ tàu, thuyền trưởng có hạn chế nên việc ghi nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo khai thác chưa đạt yêu cầu (ghi không đầy đủ, thông tin sai).
Ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản xa bờ đang còn chậm. Việc kiểm soát các nghề khai thác nhạy cảm như tàu giã cào đang còn bất cập, chưa kiểm soát chặt chẽ vùng hoạt động hợp pháp, trong lúc các tàu đều có xu hướng xâm hại vùng bờ. Một số công trình hạ tầng nghề cá đang đầu tư, nhưng tiến độ xây dựng chậm, một số hạng mục còn khó khăn chưa đáp ứng hiệu quả để tàu cá cập cảng, rời cảng an toàn.
Công tác thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm của chủ tàu cá hoạt động trên biển còn bất cập. Điều kiện thời tiết, thiên tai, dịch bệnh dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp. Tình trạng nuôi trồng thủy sản manh mún, nhỏ lẽ, tự phát, tùy tiện… thiếu kiểm soát đất đai, mặt nước dễ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trên diện rộng. Khai thác hủy diệt, khai thác quá mức vẫn còn và đang diễn ra gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản vùng đầm phá và ven bờ biển. Ngoài ra, thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực có chất lượng cao, có tri thức khoa học, công nghệ.
PV: Để trở thành tỉnh “mạnh về biển, giàu từ biển”, thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ có những giải pháp nào để góp phần đưa kinh tế biển của địa phương phát triển hơn?
Ông Nguyễn Đình Đức: Kinh tế biển và đầm phá đang trở thành động lực phát triển của tỉnh, góp phần khai thác lợi thế phát triển du lịch và thủy sản, giải quyết tình trạng chia cắt, cô lập trong mùa mưa bão, bảo đảm quốc phòng an ninh. Tỉnh đã chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển và khu vực ven biển, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, đặc biệt khởi công xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa biển Thuận An.
Thời gian tới, tỉnh tập trung hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng nghề cá tại Cảng cá Thuận An, Vinh Hiền, khu neo đậu Phú Hải… để sớm đưa vào sử dụng trong năm 2023. Tiếp tục tổ chức triển khai tốt chính sách hỗ trợ biển xa để khuyến khích ngư dân đầu tư sản xuất tàu xa bờ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển xa. Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức chuyên trách thực hiện công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tỉnh triển khai thực hiện Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 892/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 và Đề án Phát triển kinh tế – xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đến năm 2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỉnh cũng xác định phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái kết hợp với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch, dịch vụ biển, năng lượng tái tạo; gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, hình thành hệ thống khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa. Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tập trung mọi nguồn lực xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Thừa Thiên Huế có bờ biển dài 128 km, tổng diện tích vùng biển khoảng 20.000 km2, có 5 cửa biển là Thuận An, Tư Hiền, Kiểng, Bình An và Lăng Cô là điều kiện thuận lợi cho tàu cá neo đậu, lên cá. Hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai cũng là một đặc trưng của tỉnh với chiều dài hơn 70 km, diện tích mặt nước rộng trên 22.000 ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có nhiều lợi thế về nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, góp phần tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho người dân