Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào – “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”, là nơi gắn liền với những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc, đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cùng cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) giành thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, những di tích này đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách khi đến với Tuyên Quang.
Khu du lịch quốc gia là 2.500 ha thuộc vùng bảo vệ cảnh quan di tích, phục vụ du lịch gắn liền với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, giá trị văn hóa truyền thông và giá trị tự nhiên, đồng thời liên kết chặt chẽ với thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực Đông Bắc, đặc biệt với ATK Định Hóa Thái Nguyên.
Học sinh tham quan, tìm hiểu lịch sử tại lán Nà Nưa thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) – Nguồn: nhiepanhdoisong.vn
Hình thành như một bảo tàng lịch sử, văn hóa nằm trong một không gian mở, sống động, kết nối hài hòa các cụm di tích lịch sử cách mạng với cảnh quan tự nhiên và không gian văn hóa truyền thống tại bản làng các dân tộc; bên cạnh việc tập trung phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa, lịch sử, đặc biệt đối với thế hệ trẻ; bên cạnh đó mở rộng phát triển các sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách quốc tế. chú trọng phát triển du lịch dựa trên các yếu tố thiên nhiên, du lịch cộng đồng để giảm thiểu việc đầu tư cơ sở lưu trú.
Qua đó với mục tiêu đến năm 2025, Khu du lịch Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia; phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Tân Trào trở thành Khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, sức cạnh tranh và trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng hàng đầu của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.
Cụ thể đến năm 2025 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 2.000 lượt, đến năm 2030 đón khoảng 2,0 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 35 nghìn lượt. Mức tổng thu từ khách du lịch năm 2025 đạt trên 600 tỷ đồng và năm 2030 đạt khoảng 1.650 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2.200 lao động, trong đó 700 lao động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho 4.500 lao động, trong đó có 1.500 lao động trực tiếp.
Phát triển du lịch dựa trên việc khai thác các giá trị lịch sử: tham quan, tìm hiểu các giá trị của quần thể di tích lịch sử cách mạng; giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn; du lịch sự kiện, dựa trên việc khai thác các giá trị văn hóa: tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa tộc người; lễ hội truyền thống, tâm linh..
Về du lịch sinh thái, thưởng ngoạn cảnh quan tự nhiên: nghiên cứu hệ sinh thái, tham quan cảnh quan, du thuyền sông Phó Đáy… cùng với vui chơi giải trí, thể thao: tổ chức các trò chơi dân gian, các công viên chuyên đề, leo núi, đi bộ, vượt sông, thác…
Khu di tích lịch sử Tân Trào là thủ đô lâm thời của khu giải phóng Việt Bắc (Ảnh: Internet)
Trong đó hoạt động khu du lịch và đón tiếp phụ trợ theo các hướng tiếp cận của khách du lịch, gồm: Trung tâm đón tiếp, điều hành và lưu trú chính của Khu du lịch tại thôn Bòng, điểm đón tiếp phụ trợ phía Đông Nam tại thôn Tân Lập và điểm đón tiếp phụ trợ phía Bắc tại thôn Nà Ho.
Du lịch lịch sử, văn hóa bao gồm các cụm điểm di tích lịch sử gắn với các bản văn hóa dân tộc tại các xã Tân Trào, Trung Yên, Minh Thanh, Kim Quan, Bình Yên và cụm điểm tham quan du lịch Khuôn Trạn xã Lương Thiện và một số điểm tham quan cảnh quan, di tích khác. Phát triển các khu chức năng phục vụ du lịch, vui chơi giải trí, thể thao được tổ chức theo rừng đặc dụng Tân Trào và lồng ghép với các hoạt động du lịch lịch sử, văn hóa. Tổ chức trong không gian rừng đặc dụng Tân Trào, trong đó chú trọng phát triển tuyến lên đỉnh núi Hồng, đèo De.
Đẩy mạnh các tuyến du lịch liên huyện và nội tỉnh bao gồm: tuyến Tân Trào – Đền Hạ – Đền Thượng – Đền Ỷ Lan và Đền thờ Bác Hồ thành phố Tuyên Quang – Mỹ Lâm huyện Yên Sơn, tuyến Tân Trào – Khu di tích Kim Bình – Đền Bách Thần – Đền Đầm Hồng – Thác Bản Ba – Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc huyện Chiêm Hóa; tuyến Tân Trào – thủy điện Tuyên Quang – Đền Pác Tạ – Thác Mơ – hồ Nà Hang huyện Nà Hang; tuyến Tân Trào – danh thắng Thượng Lâm – Động Song Long – Thác Nậm Me huyện Lâm Bình; tuyến Tân Trào – Đền Bắc Mục – Đền Thác Cái – Động Tiên; tuyến Tân Trào – rừng đặc dụng Trạm Chu và vườn cam Hàm Yên huyện Hàm Yên.
Cùng tuyến du lịch liên tỉnh như: tuyến Tân Trào – Định Hóa – các điểm du lịch tỉnh Thái Nguyên; tuyến Tân Trào – ATK chợ Đồn – Pác Bó – các điểm du lịch các tỉnh Việt Bắc; tuyến Tân Trào – các khu, điểm du lịch quốc gia trên toàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; tuyến Tân Trào – Hà Nội – các khu, điểm du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc.
Tuyến du lịch quốc tế kết nối khu du lịch Tân Trào và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang với Thủ đô Hà Nội và quốc tế qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài; với Hà Giang đi Châu Vân Sơn, Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ Thanh Thủy; với Lào Cai đi Côn Minh, Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ Lào Cai; với Lạng Sơn đi Bằng Tường, Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị; với Hải Phòng, Quảng Ninh đi Quảng Châu, Nam Ninh, Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ Móng Cái.
Phát triển hệ thống vui chơi giải trí gồm các tiện nghi thể thao, vui chơi như bể bơi, sân bóng chuyền, cầu lông, câu lạc bộ, các trò chơi dân gian, công viên cây xanh… được phát triển gắn liền với các khách sạn, nhà hàng, các trung tâm dân cư, kết hợp phát triển khu thương mại tại các phân khu du lịch và các khu dân cư tập trung, gồm hệ thống chợ vùng cao phục vụ khách mua bán và tham quan tổ chức tại Bản Pình, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, các chợ khác tổ chức gắn với các trung tâm dân cư như Tân Trào, Kim Quan, Nà Ho;
Bên cạnh đó cần có các cơ chế chính sách đặc thù đối với Khu du lịch Tân Trào; khu vực ATK và chiến khu cách mạng về huy động vốn từ ngân sách phát triển hạ tầng khung; ưu đãi đầu tư đối với việc phát triển sản phẩm mới; đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển du lịch có trách nhiệm với xã hội và môi trường.
Cùng tập trung nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho phát triển hạ tầng cơ bản; bảo vệ môi trường; bảo tồn, tôn tạo di tích; đào tạo nhân lực và xúc tiến quảng bá phù hợp với quy định, kêu gọi vốn đầu tư và ưu tiên cho các dự án phát triển du lịch văn hóa, lịch sử gắn với sinh thái.
Chính sách hỗ trợ một phần từ ngân sách để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực, đặc biệt tập trung vào đội ngũ quản lý, hướng dẫn du lịch văn hóa lịch sử và sinh thái, lao động nghiệp vụ bậc cao nhằm hỗ trợ định hướng phát triển sản phẩm có chất lượng cao. Chú trọng nâng cao nhận thức về du lịch văn hóa lịch sử, bảo vệ môi trường, kỹ năng giao tiếp đối với đội ngũ lao động trực tiếp phục vụ khách du lịch. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch.
Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia và Quy hoạch bảo tồn di tích; rà soát quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng, các dự án thành phần trong Khu du lịch quốc gia theo định hướng tập trung phát triển du lịch văn hóa, lịch sử hướng tới thị trường nội địa. Ứng dụng khoa học và công nghệ trong mọi lĩnh vực hoạt động của Khu du lịch, đặc biệt trong nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, trong kinh doanh và trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xúc tiến quảng bá cho Khu du lịch quốc gia Tân Trào trong kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch chung của tỉnh Tuyên Quang, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng ATK. Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu Khu du lịch quốc gia Tân Trào gắn với hình tượng “Thủ đô lâm thời khu giải phóng” và “Trung tâm Thủ đô kháng chiến” đi liền với việc phát triển hệ thống ấn phẩm, vật phẩm quảng bá, quảng cáo tấm lớn, ký hiệu… có thiết kế thống nhất, thể hiện nhất quán các giá trị thương hiệu và bộ nhận diện thương hiệu.
Xây dựng website Khu du lịch quốc gia Tân Trào hấp dẫn, độc đáo, phù hợp với các giá trị thương hiệu và thị trường, có đầy đủ các thông tin cập nhật về sản phẩm du lịch Tân Trào. Nâng cao chất lượng các vật phẩm lưu niệm, sản vật địa phương làm đại diện thương hiệu du lịch. Tổ chức các hoạt động kinh doanh hàng hóa lưu niệm và sản vật với quan điểm quảng bá, xây dựng hình ảnh. Phát triển sản phẩm theo định hướng thị trường; tập trung ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chính, sản phẩm đặc thù để tạo dựng thương hiệu cho Khu du lịch; gắn phát triển sản phẩm du lịch với định hướng kiến trúc – cảnh quan khu du lịch, tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch trong tỉnh và trong vùng, đặc biệt các sản phẩm gắn với di tích lịch sử cách mạng.
Vương Thanh Tú