Chương trình bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng; giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Cụ thể, đến năm 2030, trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 90% các tỉnh, TP triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng, đảm bảo trên 90% cơ sở phục hồi chức năng (gồm: bệnh viện phục hồi chức năng, trung tâm phục hồi chức năng, khoa phục hồi chức năng thuộc các cơ sở y tế) được duy trì, củng cố, đầu tư phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng, phấn đấu trên 90% bệnh viện phục hồi chức năng đạt mức chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế; 100% các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình – phục hồi chức năng, đơn vị cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng thuộc các bộ, ngành đạt chỉ tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Đến năm 2050, phục hồi chức năng được phát triển tại tất cả các tuyến trong và ngoài ngành y tế với sự đa dạng về phương pháp can thiệp, đảm bảo cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng toàn diện, liên tục, chất lượng. Đẩy mạnh hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trở thành biện pháp chiến lược để giải quyết vấn đề khuyết tật ở VN tiến tới triển khai phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ở tất cả các xã, phường, thị trấn; các quận, huyện, thị xã; các tỉnh, TP trong cả nước và được tích hợp trong nhiều dịch vụ xã hội khác ngoài cơ sở y tế. Mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật phục hồi chức năng thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu…