Hạ tầng viễn thông là nền tảng quan trọng để phục vụ hoạt động chuyển đổi số. Hạ tầng viễn thông phát triển tạo điều kiện để người dân sử dụng thuận lợi các dịch vụ viễn thông, thông tin, giải trí và bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh.
Viettel Thanh Hóa lắp đặt thí điểm mạng 5G tại TP Thanh Hóa.
Quan tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng là mục tiêu mà các doanh nghiệp viễn thông, các nhà mạng trên địa bàn tỉnh đang hướng đến, góp phần đẩy mạnh các hoạt động trên môi trường điện tử trong tiến trình số hóa ở các lĩnh vực.
Hạ tầng viễn thông của VNPT Thanh Hóa đã được đầu tư qua nhiều giai đoạn và đến nay đã phủ rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Mạng thông tin di động băng thông rộng và truy nhập cáp quang băng thông rộng cố định đã phủ đến 559 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Toàn bộ thiết bị viễn thông – công nghệ thông tin cung cấp Internet di động và Internet cáp quang của VNPT Thanh Hóa được đầu tư lắp đặt tại hơn 1.555 trạm với 1.500 trạm truy nhập quang và gần 1.497 trạm di động. Hạ tầng mạng cáp quang của VNPT Thanh Hóa có hơn 25.000km cáp quang các loại, trong đó hơn 15.000km cáp quang truy nhập, khoảng 9.500km cáp quang trung kế. Năng lực hạ tầng viễn thông của VNPT Thanh Hóa đảm bảo sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.
Bên cạnh đó, với nguồn lực và thế mạnh công nghệ, MobiFone Thanh Hóa đang tích cực xây dựng nền tảng hạ tầng số, hệ sinh thái số phong phú đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. MobiFone Thanh Hóa đầu tư phát triển các trạm phát sóng mới 3G, 4G đến tất cả các khu vực. 549 xã, phường đã được phủ sóng di động của MobiFone với tốc độ truy cập Internet trung bình đạt 19 GB.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel chi nhánh Thanh Hóa cũng dành nguồn lực lớn để đầu tư từng bước hoàn thiện hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số của tỉnh. Hiện tại, Viettel Thanh Hóa đã sở hữu một hạ tầng mạng lưới rộng khắp với trên 4.000 trạm phát sóng, phủ sóng gần 100% dân số của tỉnh. Đặc biệt, với vai trò của một doanh nghiệp quân đội, Viettel Thanh Hóa luôn ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng – an ninh. Hạ tầng viễn thông đã được đặc biệt quan tâm xây dựng, tối ưu, đảm bảo chất lượng dọc tuyến biên giới, biển đảo phục vụ an ninh – quốc phòng; là mạng thông tin vu hồi vững chắc, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa mạng thông tin quân sự; đồng thời mang công nghệ và tri thức khoa học phục vụ đồng bào và chiến sĩ đang ngày đêm bám biển, giữ đất. Sóng của Viettel đã phủ kín cả những địa bàn khó khăn, xa xôi nhất của tỉnh như Bá Thước, Quan Hóa, Mường Lát… Với sứ mệnh “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số”, Viettel Thanh Hóa đã và đang xung kích, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số tại địa phương. Phát triển hạ tầng siêu băng rộng đáp ứng nhu cầu internet kết nối vạn vật; ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (Big data)… để phát triển các giải pháp, ứng dụng thúc đẩy nhanh và thành công quá trình chuyển đổi số.
Thanh Hóa luôn quan tâm đến việc đầu tư phát triển hạ tầng số hiện đại, đồng bộ, thông suốt giữa các cấp ủy, chính quyền các cấp và trong nội bộ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo các điều kiện để triển khai các nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên toàn tỉnh. Hạ tầng viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các doanh nghiệp viễn thông đầu tư mở rộng mạng lưới với công nghệ hiện đại phục vụ đến tất cả các vùng miền, góp phần quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cũng như nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trên toàn tỉnh có 9.444 trạm BTS được lắp đặt tại 3.823 vị trí (trong đó 2.808 trạm BTS 2G, 3.436 trạm BTS 3G và 3.200 trạm BTS 4G); 46 thiết bị chuyển mạch cố định và 1.156 thiết bị truy nhập Internet cáp quang; phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn, tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 99,7%. Đặc biệt, trong đó mạng băng thông rộng 3G/4G phủ sóng đến 4.354/4.357 đến thôn, bản; mạng băng thông rộng cố định được triển khai đến 4.337/4.357 thôn, bản. Tổng số thuê bao trên toàn tỉnh ước đạt 2.957.000 thuê bao, bằng 100,92% so với kế hoạch được tỉnh giao, mật độ thuê bao điện thoại đạt 80,62 thuê bao/100 dân. Thuê bao Internet trên toàn tỉnh ước đạt 2.360.000 thuê bao; đạt mật độ 64,34 thuê bao/100 dân bằng 118% kế hoạch được tỉnh giao.
Bước đầu, Thanh Hóa đã triển khai thí điểm thành công một số điểm phát sóng 5G trên địa bàn TP Thanh Hóa. Đây là một bước tiến quan trọng, sự chuẩn bị chu đáo của các nhà mạng trong phát triển hạ tầng số làm nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và phục vụ người dân, doanh nghiệp và hoạt động của chính quyền các cấp.
Bài và ảnh: Linh Hương