Hạ tầng giao thông ĐBSCL được quan tâm đầu tư tăng tính đồng bộ, kết nối. |
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL được quan tâm đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực. Cùng với đó, tỷ lệ đô thị (ĐT) hóa tăng lên, chất lượng ĐT trong vùng từng bước được cải thiện, đảm bảo tốt hơn điều kiện sống cho người dân.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL.
Ông Tạ Quang Vinh- Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành các kế hoạch hành động. Trong đó, việc phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật là điều kiện thiết yếu cho tăng trưởng kinh tế- xã hội tại các ĐT.
Tính đến nay, Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh các quy hoạch về xây dựng mạng lưới ĐT vùng ĐBSCL. Toàn vùng hiện có 211 ĐT, trong đó gồm: 1 ĐT loại I trực thuộc Trung ương là TP Cần Thơ; 2 ĐT loại I trực thuộc tỉnh là Mỹ Tho và Long Xuyên.
Tỷ lệ ĐT hóa trung bình của toàn vùng năm 2022 là 31,8%, thấp hơn so với trung bình của cả nước là 41,7%. Tổng công suất các nhà máy nước sinh hoạt ĐT và khu công nghiệp trong vùng đạt khoảng 1,7 triệu m3/ngày đêm, công suất khai thác 1,485 triệu m3/ngày đêm.
Tỷ lệ dân cư ĐT được cấp nước sạch bình quân toàn vùng đạt khoảng 96%, cao hơn tỷ lệ cấp nước sạch ĐT bình quân của cả nước (khoảng 94%). Mạng lưới thoát nước ĐT xây dựng qua nhiều thời kỳ ở các khu vực ĐT mới tương đối tốt. Tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh tại các ĐT trong vùng khoảng 1 triệu m3/ngày. Một số tỉnh thành đã và đang đầu tư các hệ thống thu gom, xử lý nước thải từ nguồn ODA.
Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL nói chung còn yếu, thiếu đồng bộ, liên kết. Các dự án công trình đầu mối hạ tầng khung của vùng chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến hiệu quả tính liên kết vùng chưa đáp ứng yêu cầu. Các dự án hạ tầng kỹ thuật trong ĐT như cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, rác thải còn thiếu, chậm được triển khai xây dựng, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Để phát triển hạ tầng kỹ thuật ĐT vùng ĐBSCL hiệu quả hơn, Cục Hạ tầng kỹ thuật đưa ra một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, cần hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng.
Các bộ, ngành và địa phương cần tổ chức quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ĐT trong vùng ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh, cần đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trong đó tập trung vào kết cấu hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải. Cân đối nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật ĐT, đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm tại các ĐT lớn.
Đồng thời, nghiên cứu, thực hiện các giải pháp quy hoạch, ứng dụng các mô hình thoát nước và xử lý nước thải ĐT và nông thôn phù hợp với khu vực theo định hướng phát triển bền vững. Cùng với đó, nghiên cứu, thực hiện các mô hình và quy trình xử lý chất thải rắn phù hợp với khu vực; thực hiện công tác quy hoạch và quản lý cao độ nền ĐT; tăng cường công tác quản lý, đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật, chống thất thoát, lãng phí…
Ông Trần Việt Trường- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đề xuất Bộ Xây dựng quan tâm phối hợp, hỗ trợ vùng ĐBSCL đối với các dự án mang tính cấp thiết như: thành lập trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL; ưu tiên phối hợp tham mưu trình Chính phủ xem xét chấp thuận sớm đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ; xây dựng dự án kết nối đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ…
PGS.TS Trần Đình Thiên- thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, hiện trạng ĐBSCL thiếu nhiều điều kiện nền tảng để tạo động lực, phát huy tiềm năng lợi thế; điều kiện phát triển đô thị ít thuận lợi…
Theo đó, việc được đầu tư làm cao tốc là đột phá mạnh, bố trí lại ĐT và vùng sản xuất. Theo ông, để phát triển bền vững, vùng cần tư duy mới, cách tiếp cận phát triển mới, tăng năng lực “chống chịu” và để “thuận thiên”. Để ĐBSCL phát triển bền vững, cần hình thành các hành lang kinh tế và chuỗi ĐT động lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn tài nguyên, hệ sinh thái…
Phát triển hạ tầng là điều kiện thiết yếu cho tăng trưởng kinh tế- xã hội tại các đô thị. |
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 mức tăng trưởng bình quân của khu vực ĐBSCL đạt khoảng 6,5-7 %/năm.
Để đạt mục tiêu này, thứ trưởng nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật là điều kiện thiết yếu và cấp bách. Việc củng cố, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật tạo thuận lợi cho việc xây dựng, mở rộng các ĐT, tạo động lực cho quá trình phân bố lại dân cư, lao động…
Bài, ảnh: SÔNG HẬU